USA Today: Trung Quốc đẩy Thái Bình Dương đến miệng hố chiến tranh
Chuyển động - Ngày đăng : 13:43, 27/06/2018
Bài viết nhắc hồi tháng 4 “ông Tập Cận Bình mặc quân phục rằn ri, hãnh diện đứng trên một chiếc khu trục hạm chiêm ngắm cuộc phô trương sức mạnh quân sự: 10.000 quân và thủy thủ, 76 chiến đấu cơ và 48 tàu chiến, và đó là cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc hiện đại, cứ như Trung Quốc đã làm chủ Biển Đông”.
Tại cuộc diễn tập này, ông Tập nói với quân binh “nhiệm vụ xây dựng hải quân hùng mạnh chưa bao giờ cấp thiết như hôm nay”.
Thực tế là Bắc Kinh đã nhanh chóng quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép trên Biển Đông, và các nhà phân tích nói đó là một chiến lược để “lật đổ” ưu thế địa-chính trị của Mỹ tại khu vực này, gồm những tuyến đường biển có tầm quan trọng chiến lược.
Hồi tháng 3.2018, đảng Cộng sản Trung Quốc đổi điều lệ đảng, hủy bỏ thời gian nhiệm kỳ của chức chủ tịch, cho phép ông Tập làm chủ tịch trọn đời. Ông Tập phát tín hiệu về một thời đại mới mà Trung Quốc phô triển quyền lực vào lúc nước này có sự tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy.
Các nhà phân tích từng dự báo Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới từ năm 2030.
Trung Quốc phớt lờ phán quyết PCA, xù lời hứa quân sự hóa
Hồi năm 2015, khi thăm Nhà Trắng gặp Tổng thống Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc hứa Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Tập cũng nói Trung Quốc có quyền bảo vệ “sự toàn vẹn lãnh thổ và các quyền lợi hàng hải hợp pháp”. Ông ta cũng tuyên bố nhiều đảo thuộc Trung Quốc “từ ngàn xưa”.
Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã xây các đảo nhân tạo trên Biển Đông, gây ra tranh chấp với nhiều quốc gia và phớt lờ các luật quốc tế và phán quyết hồi tháng 7.2016 của Tòa án Trọng tài thường trực The Hague vốn tuyên Trung Quốc không hề có “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông, đồng thời bác “bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ.
Trung Quốc tin tưởng có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trên bản đồ tự vẽ “đường lưỡi bò 9 đoạn”, một khu vực ôm gần hết Biển Đông và từ năm 1947 Trung Quốc đã tuyên bố có chủ quyền.
Biển Đông bị tranh chấp vì nhiều lý do lịch sử, chính trị và kinh tế. Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), Biển Đông giàu nguồn hải sản và là một tuyến đường hàng hải chiến lược trị giá 3 ngàn tỉ USD/năm, với 21% tổng hàng hóa toàn cầu đi qua vùng biển này. Nghiên cứu này cũng ghi nhận 42% hàng hóa Nhật và 2/3 hàng hóa Trung Quốc đi qua Biển Đông.
Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines và đảo Đài Loan cũng tuyên bố có chủ quyền lãnh hải ở vùng biển này.
Nhưng đối với các nước vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ngoài giá trị kinh tế, Biển Đông còn có những ý nghĩa khác. Với Trung Quốc thì tuyên bố chủ quyền ngang ngược kết nối với chủ nghĩa dân tộc.
Theo USA Today, trong khi các nước khác công khai thách thức tuyên bố vô lý của Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn nói khu vực trong “đường lưỡi bò 9 đoạn” thuộc lãnh thổ Trung Quốc, nhất là sau khi phát hiện có dầu khí dưới vùng biển này hồi những năm 1970.
Hải quân Mỹ phản ứng trước hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc, với một giải pháp cứng rắn và trực tiếp, như liên tục đưa tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo xây trái phép, để phô trương sức mạnh quân sự-chính trị của Mỹ.
Gần đây, Mỹ rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC 2018). Đây là cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới, quyết định của Mỹ được mô tả là “phản ứng ban đầu”, có nghĩa Mỹ sẽ còn những phản ứng khác, nếu Trung Quốc không thay đổi thái độ.
Tiếp đó, Mỹ điều 2 máy bay ném bom B-52 bay trên một đảo tranh chấp ở Biển Đông với lý do “bay tuần tra định kỳ”. Bắc Kinh phản đối mạnh, nhồi thêm sự khiêu khích qua lại giữa hai thế lực.
Máy bay ném bom B-52 bay đến Biển Đông - Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Hoạt động của Hạm đội 7 tăng tốc tối đa, nhằm bảo đảm các quyền lợi thương mại của Mỹ, đồng thời khẳng định cam kết Mỹ bảo vệ các đồng minh và đối tác.
Hoạt động quân sự Mỹ tại khu vực càng được chú ý trong thời gian gần đây, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có cuộc gặp lịch sử ngày 12.6 ở Singapore.
Dù ông Trump tuyên bố ngưng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, nhưng chưa thể rõ lệnh này có tác động đến những hoạt động trong tương lai của hải quân Mỹ ở vùng Tây Thái Bình Dương hay không.
Gần đây, Mỹ cũng gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, nói thẳng Trung Quốc là đối thủ trực tiếp. Chính quyền Tổng thống Trump còn công bố Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) và Chiến lược quốc phòng cũng đều phê phán Trung hung hăng ở Thái Bình Dương.
Giáo sư Robert Sutter thuộc khoa Quan hệ quốc tế của Đại học George Washington, nói “Mỹ-Trung đang trong một cuộc đấu đá không ngưng nghỉ”, khi ngôn ngữ trong hai báo cáo an ninh quốc gia kể trên rất mạnh mẽ, từ hàng chục năm trước chưa hề được Mỹ sử dụng.
NSS 2017 nêu “Nga và Trung Quốc muốn chống các giá trị và quyền lợi của Mỹ. Trung Quốc muốn lật đổ Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mở rộng mô hình kinh tế nhà nước chỉ đạo và lập lại trật tự khu vực này theo huớng có lợi cho Trung Quốc”.
Ông Sutter nói: “Chúng ta chưa hề nghe tuyên bố này từ thời Tổng thống Richard Nixon. Đây là một tài liệu thời Chiến tranh lạnh”.
Hải quân Mỹ cần hoạt động nhiều hơn để Trung Quốc bớt hung hăng
Tính “ăn thua” của ván cờ Tây Thái Bình Dương mà Mỹ-Trung thi đấu có tiềm năng đạt tầm cỡ rất lớn. Đại úy Michael Donnelly, một sĩ quan chỉ huy của tàu sân bay Ronald Reagan nói: “Mọi người đều cảnh giác... và hiểu phải bảo vệ được các quyền lợi của chúng tôi”.
Trong cuộc giải trình tháng 3 trước Quốc hội Mỹ, Đô đốc Harry Harris, lúc đó còn là tư lệnh quân Mỹ ở Thái Bình Dương (PACOM), đã dự báo rằng nếu Trung Quốc tiếp tục tăng tốc hiện đại hóa quân đội, thì kể từ năm 2020, hải quân Trung Quốc sẽ qua mặt Nga để trở thành lực lượng hải quân lớn thứ nhì thế giới.
Ông Harris nói hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm “phòng thủ ngắn hạn”, nhưng Mỹ nên đề phòng Trung Quốc dùng các cơ sở hạ tầng này để phô trương sức mạnh trên toàn Biển Đông.
Để thách thức việc quân sự hóa và tuyên bố chủ quyền quá vô lý của Bắc Kinh, từ năm 2015, hải quân Mỹ đã nhiều lần đưa tàu chiến, máy bay đến Biển Đông, mở các cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) nhằm khẳng định quan điểm của Mỹ rằng Biển Đông thuộc hải phận quốc tế.
Theo chính quyền Mỹ, tuần tra FONOP nhằm bảo vệ quyền hoạt động ở không-hải phận quốc tế của Mỹ và của các nước khác, không cho phép bất kỳ nước nào bành trướng bờ cõi trái phép hoặc tuyên bố đòi chủ quyền trái phép.
Trong trường hợp này, việc đưa tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo trung Quốc xây trái phép là để khẳng định Mỹ không công nhận tuyên bố “đường lưỡi bò 9 đoạn” của Trung Quốc.
Bà Bonnie Glaser thuộc CSIS nhận định chính quyền Trump đang tiến hành hoạt động FONOP thường xuyên hơn, là “trực tiếp thách thức Trung Quốc bằng những cách mà chính quyền Obama từng ngại ngần thực hiện”.
Cựu Đô đốc Gary Roughead nói Mỹ cần kiên quyết thể hiện sự cam kết bảo vệ đồng minh và đối tác, để buộc Trung Quốc nản lòng và thôi hung hăng: “Nếu bạn muốn ngăn chặn thì phải hành động mạnh hơn, không chỉ là tuần tra FONOP. Tàu chiến Mỹ phải hoạt động thường xuyên hơn ở Biển Đông và biển Hoa Đông, một mình hoặc với các đối tác. Tàu chiến Mỹ cũng nên thường xuyên thăm các cảng Đông Nam Á với những hoạt động chuyên môn và nhân đạo với các đồng minh”.
Nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế cấp cao Timothy Heath của Tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, nói dù nguy cơ chiến tranh Mỹ-Trung rất thấp, nhưng hai bên sẽ không có sự nhượng bộ chiến lược nào liên quan Biển Đông, và hai thế lực sẽ tiếp tục thể hiện sự đối kháng tại khu vực này: “Đấy là sự khởi đầu để trở thành một điều bình thường mới”.
Vĩnh Thụy (theo USA Today)