Trung Quốc e ngại khu trục hạm mới của Nhật đi qua Biển Đông

Chuyển động - Ngày đăng : 19:44, 07/08/2018

Theo trang Business Insider, việc Bắc Kinh gọi khu trục hạm mới của hải quân Cục phòng vệ Nhật Bản (JMSDF) là mối đe dọa cho thấy rõ Trung Quốc quyết độc chiếm Biển Đông.
Khu trục hạm Maya của JMSDF - Ảnh: Defence.com

Hồi cuối tháng 7, JMSDF cho hạ thủy khu trục hạm Maya dài 170 mét, có độ choán nước 8.200 tấn, là chiếc đầu tiên trong hai khu trục hạm lớp 27DDG mà JMSDF đặt đóng.

Tàu chiến này trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis J7 hiện đại của Mỹ, cùng hệ thống radar AN/SPQ-9B cho phép phát hiện-truy vết các tên lửa chống hạm bay thấp ở tốc độ cao.

Chiếc Maya còn có thể phóng tên lửa SM-3 Block IIA do Nhật-Mỹ hợp tác thiết kế sản xuất cho hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, và Nhật cũng được xem là khách hàng tiềm năng của tên lửa SM-6 để chống các tên lửa đạn đạo, tấn công các mục tiêu trên không và trên bộ, trong lúc Nhật cần tăng cường phòng thủ nhằm chống lại mối đe dọa tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera, dự kiến năm 2020 sẽ giao chiếc Maya cho JMSDF sử dụng vào hoạt động huấn luyện và lập quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực. Chiếc 27DDG chưa được đặt tên, dự kiến sẽ được hạ thủy năm 2019 và giao cho JMSDF từ năm 2021.

Ông Veerle Nouwens, một chuyên gia ở tổ chức nghiên cứu Royal United Services Institute (Anh) nói với Business Insider: “Việc Nhật có chiếc Maya không là chuyện lớn. Họ sử dụng tàu chiến này vào hoạt động giao lưu quân sự hoặc ngoại giao với Ấn Độ, Sri Lanka, Singapore”.

Nhưng hoạt động này sẽ khiến Bắc Kinh phản ứng, chỉ vì yếu tố địa lý: chiếc Maya sẽ phải đi qua Biển Đông. Hoạt động này khiến Trung Quốc lo ngại vì đã ngang ngược tuyên bố Biển Đông từ ngàn xưa là của Trung Quốc, công khai thách đố luật pháp quốc tế.

Hoàn cầu thời báo, phụ san của Nhân dân nhật báo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc-CPC) đã phản ứng với việc Nhật có chiếc Maya, dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc: “Chiến hạm này có thể tấn công Trung Quốc và đe dọa các nước khác. Một khi Nhật-Mỹ nắm quyền giữ gìn an ninh, họ sẽ không ngại ngần tấn công các nước khác”.

Ông Nouwens nói: “Trung Quốc muốn nắm trọn quyền kiểm soát Biển Đông, chúng ta có thể nói trắng ra là thế. Họ muốn bật Mỹ khỏi vị trí dẫn đầu khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á”.

Từ sau Thế chiến 2, chính quyền Mỹ và nhất là hải quân Mỹ đã ủng hộ quyền tự do hàng hải và trật tự thế giới theo luật pháp. Chủ trương này khiến Mỹ tốn khá nhiều tiền cho công tác tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) trong khi làm giàu cho thế giới và nhất là Trung Quốc, khi sự đi lại an toàn trên các vùng biển đã giúp giới doanh nhân toàn cầu làm giàu, theo Business Insider.

Nhưng ông Nouwens nói: “Nay Trung Quốc dọa nạt, dẫn đến một tình hình khiến không còn có sự thịnh vượng đó nữa”.

Trung Quốc đã liên tục đe dọa đánh các nước tiến hành những hoạt động đơn giản như đánh cá trong vùng lãnh hải của từng quốc gia và được LHQ chỉ định. Nhưng mỗi khi tàu chiến Mỹ đi qua Biển Đông, Bắc Kinh đều tuyên bố đó là hành vi khiêu khích, gây bất ổn.

Chuyên gia Nouwens mỉa mai: “Khi các nước khác làm thế, Bắc Kinh la làng. Nhưng khi Trung Quốc làm thế với các nước khác thì họ cho thế là ổn”.

Vĩnh Thụy (theo Business Insider)