Kỳ 2: Nỗ lực hải quân Trung Quốc làm ‘Mỹ - Nhật - Ấn hoảng hồn’

Chuyển động - Ngày đăng : 06:40, 12/09/2018

Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) từng đối mặt với nhiều “niềm đau chôn giấu”, do nạn tham nhũng mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã quyết diệt trừ.
Tàu sân bay Liêu Ninh ra biển hồi tháng 4.2018 - Ảnh: Getty Images

PLA còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu, vì chưa bị thử lửa ở chiến trường. Theo Times, hồi đầu năm 2018, PLA xấu hổ, khi một tàu ngầm tấn công hiện đại bị phát hiện ở gần quần đảo Senkaku của Nhật Bản nhưng Trung Quốc đòi chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư. Lẽ ra chiếc này không bao giờ được phát hiện.

"Tàu sân bay mới nhúc nhích, Mỹ-Nhật-Ấn liền hoảng hồn"

Hồi tháng 2, Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) tiết lộ kế hoạch đóng các tàu sân bay chạy bằng hạt nhân, cho phép tàu hoạt động lâu hơn các kiểu tàu cần phải có những chặng dừng để tiếp nhiên liệu.

Qua tháng 4, nhân kỷ niệm 69 năm ngày thành lập hải quân Trung Quốc (PLAN), chiếc tàu sân bay “made in China” đầu tiên được tàu kéo đưa ra khỏi cảng Đại Liên trên biển Bột Hải để thử nghiệm khả năng ra biển lớn.

Lúc đó, một trang web quân sự Trung Quốc tung hô: “tàu sân bay tự đóng đầu tiên vừa chuyển động một chút, Mỹ-Nhật-Ấn liền hoảng hồn”.

Kế hoạch còn dự tính cho tàu sân bay này (chưa có tên và được tạm đặt là Type 001A) thực hiện chuyến đi biển đầu tiên trong tháng 4, nhưng sau đó bị hoãn mà không có lời giải thích.

Qua giữa tháng 5, PLAN đã cho chiếc tàu sân bay “made in China” đầu tiên chạy thử trên biển, chủ yếu để kiểm tra độ tin cậy và sự ổn định của hệ thống máy móc cùng các phương tiện khác.

Giữa tháng 6, Ủy ban kiểm tra-kỷ luật trung ương (CCDI) ra tuyên bố ngắn, cho biết ông Sun Bo, Tổng giám đốc CSIC bị bắt giam vì “bị nghi vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật”. Đây là thuật ngữ để chỉ cán bộ đảng viên tham nhũng nặng.

Chiếc Type 001A, được đóng hồi tháng 11.2013, hạ thủy vào tháng 4.2017 và dự kiến sẽ được chuyển giao cho PLAN từ năm 2020, vào lúc Trung Quốc đang ngang ngược đòi chủ quyền toàn bộ Biển Đông và tìm cách ngăn chặn những hoạt động đòi độc lập ở Đài Loan, theo báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP).

Như chiếc Liêu Ninh, Type 001A cũng chạy bằng dầu, cũng sử dụng hệ thống động lực truyền thống và đường băng kiểu “nhảy cầu”, có nghĩa không có công nghệ máy phóng máy bay dùng hơi nước như tàu sân bay lớp Nimitz dùng động cơ năng lượng hạt nhân của Mỹ, loại tàu chiến lớn nhất thế giới.

Chiếc Type 001A tượng trưng một tham vọng hiện đại hóa để lọt vào các thế lực quân sự hàng đầu. Hiện Mỹ có đến 11 tàu sân bay chạy bằng hạt nhân.

Một tàu sân bay thứ ba đang được đóng, tại một cảng gần Thượng Hải, và các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ đóng 5 hoặc 6 tàu sân bay.

Trung Quốc cũng “chôm” vài công nghệ của thế giới, khi đa phần phần cứng quân sự có nguồn gốc Liên Xô hoặc “nhái” theo mẫu thiết kế của Liên Xô. Nhưng các nhà phân tích nói với mỗi làn sóng sản phẩm mới, Trung Quốc đang triển khai nhiều khả năng hiện đại hơn.

Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của PLAN từng do Liên Xô hạ thủy năm 1988, và bị bỏ mặc khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. Ukraine giành độc lập, bán tàu này với giá 20 triệu USD cho một nhà đầu tư Trung Quốc muốn chuyển nó thành một sòng bạc nổi, dù ông ta nhân danh Bắc Kinh. Trung Quốc nâng cấp tàu và đặt tên là Liêu Ninh.

Hồi hè 2018, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố chiếc Liêu Ninh “sẵn sàng chiến đấu”, sau khi nó cùng 6 tàu chiến đi qua Eo biển Miyako ở gần quần đảo Ryukyu của Nhật, rồi cho máy bay cất cánh bay vào Thái Bình Dương.

Trung Quốc sẵn sàng đối phó xung đột quân sự với Mỹ

Không quân Trung Quốc (PLAAF) cũng triển khai 6 chiếc máy bay ném bom chiến lược H-6K vào Eo biển Miyako, rồi lần đầu tiên chúng chuyển hướng bay đến Okinawa, nơi có 47.000 quân Mỹ trú đóng.

Nhóm tàu tấn công của Liêu Ninh hiện vây Đài Loan, cùng với máy bay ném bom chiến lược H-6K và chiến đấu cơ tàng hình J-20 của Trung Quốc.

Chiến đấu cơ J-15 chuẩn bị cất cánh khỏi chiếc Liêu Ninh - Ảnh: Getty Images

Các tàu sân bay tự đóng gây sự chú ý, nhưng nỗ lực bành trướng sức mạnh PLAN còn lớn hơn, đã đóng hơn 100 tàu chiến và tàu ngầm trong chỉ 10 năm qua.

Năm 2017, Trung Quốc còn giới thiệu một chiếc thuộc lớp “siêu khu trục hạm”, mà tình báo hải quân Mỹ đánh giá là “có thể sánh ngang với các tàu chiến hiện đại nhất của phương Tây”.

Hồi tháng 7, đã có hai “siêu tàu khu trục” khác được hạ thủy ở Đại Liên, theo tin của báo giới Trung Quốc.

Năm 2017, PLAN trở thành lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, với 317 tàu chiến, tàu ngầm đã hoạt động, so với 283 chiếc của hải quân Mỹ, vốn chiếm ưu thế về chất lượng, nhưng lại phải dàn trải ở nhiều nơi trên thế giới, nên mỏng hơn PLAN vốn đang tiếp tục đóng hàng loạt các tàu chiến mới.

Hồi tháng 4, ông Tập chủ trì một cuộc phô trương sức mạnh hải quân ở đảo Hải Nam với 48 tàu chiến và tàu ngầm, và tuyên bố “Nhiệm vụ xây dựng hải quân mạnh mẽ chưa bao giờ khẩn thiết như hiện nay”.

Nỗ lực bành trướng PLAN bắt đầu từ năm 2000, nhưng tăng tốc đáng kể khi ông Tập nắm quyền lực, chú trọng vào PLAN, PLAAF và lực lượng tên lửa chiến lược, đồng thời xử lý những chỉ huy tham nhũng.

Ông Tập cũng ra lệnh cắt giảm số quân bộ binh, nhằm có thêm tài lực cho một lực lượng quân sự hiện đại hơn. Từ năm 2015, bộ binh cho xuất ngũ 300.000 sĩ quan và quân binh để PLA có tổng cộng 2 triệu quân, so với 1,4 triệu quân Mỹ.

Khoản chi quân sự của Trung Quốc được chỉnh sửa tùy theo sức khỏe của nền kinh tế. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) khoản chi này của Trung Quốc là 228 tỉ USD, xếp thứ nhì sau khoản chi 610 tỉ USD của Mỹ.

Trung Quốc “cần bảo vệ quyền lợi quốc gia” ở khắp thế giới

Theo Times, dù một cuộc chiến tranh tổng lực Mỹ-Trung được cho là không thể xảy ra, PLA đang chuẩn bị “một cuộc xung đột quân sự hạn chế trên biển”, theo một báo cáo năm 2013 có tựa “Tính khoa học của chiến lược quân sự”.

Trong báo cáo hàng năm trình Quốc hội Mỹ hôm 17.8, Lầu Năm Góc viết “PLA muốn chứng tỏ có khả năng đánh Mỹ và các đồng minh, các căn cứ quân sự ở phía tây Thái Bình Dương gồm đảo Guam”.

Lầu Năm Góc cảnh báo: “Trong 3 năm qua, không quân Trung Quốc (PLAAF) nhanh chóng mở rộng phi đội ném bom ở xa bờ, có được kinh nghiệm ở những vùng biển chiến lược, và máy bay ném bom “đang rèn luyện không kích” để đánh các mục tiêu Mỹ và đồng minh của Mỹ ở Thái Bình Dương”.

PLA có truyền thống chú trọng đẩy lui một cuộc xâm lược trên bộ, đã tăng cường phô trương thế lực hải quân xa khỏi bờ cõi, đến khắp thế giới để bảo vệ các quyền lợi kinh tế-ngoại giao ngày càng lớn của Bắc Kinh ở ngoài lãnh hải Trung Quốc, từ Thái Bình Dương đến Đại Tây Dương.

Nhà phân tích Lý Kiệt thuộc Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc (ở Bắc Kinh) nói: “Tranh đua là cách nhận định của Mỹ. Trung Quốc chỉ bảo vệ quyền lợi ở Thái Bình Dương”.

Và quyền lợi của Bắc Kinh đang được bành trướng. Năm 2017, Trung Quốc mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, tại Djibouti ở Mũi Sừng châu Phi, với lý do tham gia nỗ lực đa quốc gia chống hải tặc ở ngoài khơi Somalia.

Nay, xem ra Trung Quốc lên kế hoạch tiếp cận mạng lưới căn cứ và quân cảng ở Ấn Độ Dương. Chuyên gia Vassily Kashin ở Viện Nghiên cứu Viễn đông thuộc Hàn lâm viện khoa học Nga nói: “Các căn cứ này sẽ cho phép Trung Quốc đưa tàu chiến đến khắp châu Phi, và có đủ khả năng đổ quân để bảo vệ tài sản của Trung Quốc”.

Năm 2015, tàu chiến Trung Quốc từng sơ tán 629 đồng bào và 279 người nước ngoài khỏi cuộc nội chiến kinh hoàng ở thành phố cảng Aden của Yemen.

Ông Kashin nói thêm: “Người Trung Quốc sẽ còn tăng cường hiện diện, và mọi người nên làm quen với điều đó”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)