Mỹ sẽ ‘chặt đường lưỡi bò’ Trung Quốc trên Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 18:23, 12/10/2018
NDAA cấp kinh phí quốc phòng trong năm tài khóa 2019, được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 1.8, Tổng thống Trump ký duyệt ngày 13.8, được ghi nhận là một phản ứng mạnh hơn của Mỹ đối với hành xử hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc o ép các nước ven Biển Đông đến “sởn tóc gáy”
Sau một thời gian yên tĩnh đầu những năm 2000, sự căng thẳng tăng lên từ năm 2009: Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát Bãi Scarborough Shoal của Philippines năm 2012, và năm 2014 đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải Việt Nam suốt hai tháng.
Cũng năm 2014, Trung Quốc tiến hành các dự án xây đảo nhân tạo trái phép, và chứng cứ của hoạt động này trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm trái phép bắt đầu xuất hiện trên giới truyền thông từ tháng 5.2014. Các nhà nghiên cứu nói thật ra Bắc Kinh có thực hiện các dự án cải tạo đất từ cuối năm 2013. Từ năm 2014, Trung Quốc dàn radar, xây đường băng, bệ đặt tên lửa, súng điện tử trên các đảo nhân tạo.
Ngày 2.5.2018, CNBC đưa tin Trung Quốc dàn tên lửa chống hạm YJ-12B và tên lửa phòng không HQ-9B trên một số đảo của Việt Nam.
Dù Trung Quốc đã dàn tên lửa trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (cũng bị Trung Quốc chiếm trái phép) từ năm 2016, đấy là lần đầu tiên tên lửa được dàn ở Trường Sa, cho thấy Trung Quốc công khai leo thang chương trình quân sự hóa.
Cuối tháng 5, lần đầu tiên máy bay ném bom tầm xa H-6K của Trung Quốc cất-hạ cánh trên quần đảo Trường Sa. Để phản ứng, Mỹ hủy việc mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận hải quân quốc tế Vành Đai Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC).
Bộ Quốc phòng Mỹ nói đấy là “phản ứng ban đầu”. Nay, NDAA 2019 được thông qua, sẽ củng cố lệnh cấm Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hàng hải của Lầu Năm Góc được tổ chức hàng năm.
Lệnh cấm sẽ chỉ được dỡ bỏ khi Trung Quốc dừng lại tất cả các hành động xâm chiếm biển đảo và loại bỏ các hệ thống vũ khí ra khỏi các “tiền đồn” ở Biển Đông. Quy định này về cơ bản tương đương với lệnh cấm vĩnh viễn.
Ngày 17.4.2018, tân tư lệnh Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM), Đô đốc Philip Davidson báo cáo Quốc hội Mỹ: “Trung Quốc nay có khả năng kiểm soát Biển Đông, trong tất cả các kịch bản chiến tranh ngắn với Mỹ”.
Mỹ dùng sự minh bạch chống việc “nổi loạn hàng hải” của Trung Quốc
Theo National Interest, vài năm qua, vì sự bất ổn trên Biển Đông gia tăng, Mỹ can thiệp trực tiếp hơn vào khu vực này. Tại Diễn đàn ASEAN tháng 7.2010, Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton tuyên bố Mỹ chuẩn bị giữ vai trò trung gian, và các năm sau, Mỹ nâng cấp quan hệ phòng thủ với Philippines và đào sâu quan hệ với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Từ tháng 10.2015, hải quân Mỹ liên tục tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông, nhằm thách thức tính hợp pháp từ các dự án cải tạo đất của Trung Quốc. Nhưng FONOP không thể ngăn Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo xây trái phép.
Phản ứng của Mỹ về tình hình bất ổn ở Biển Đông được chú ý nhiều. Theo dữ liệu dân Mỹ theo dõi tin tức của tổ chức ProQuest, thông tin về Biển Đông trên các báo Mỹ tăng, từ 239 bài xếp hạng “tin thời sự” năm 2009 lên 4.061 bài hồi năm 2016.
Các chính khách Mỹ cũng rất quan tâm vụ tranh chấp Biển Đông. Trong cuộc tranh cử tổng thống 2016, ứng cử viên của cả hai đảng Dân chủ- Cộng hòa đều tranh luận về Biển Đông.
Nhưng sau đó, sự quan tâm giảm xuống. Năm 2017, báo chí Mỹ chỉ có 2.245 bài về Biển Đông, phản ánh một sự “yên tĩnh giả tạo”, sau khi Tòa án trọng tài thường trực PCA bác bản đồ “đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ để đòi độc chiếm Biển Đông.
Nhưng Điều khoản 1262 của NDAA 2019 sẽ giữ vai trò "cốt tử" để lật ngược tình hình, giảm sự chú ý Biển Đông của người Mỹ. Điều khoản này qui định Bộ trưởng Quốc phòng phải lập tức báo cáo dân Mỹ và Quốc hội Mỹ biết, tiếp sau “bất kỳ hành vi nào của Trung Quốc như cải tạo đất, tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông”.
Nay với điều khoản 1262, chính phủ Mỹ sẽ cần sự ủng hộ của dân Mỹ, nếu chính phủ muốn chống “cuộc nổi loạn hàng hải” trên Biển Đông của Trung Quốc.
Mỹ cũng rất cần sự ủng hộ của các đối tác khu vực và nhân dân các nước ven Biển Đông, nhất là Philippines. Theo National Interest, nếu dân Philippines biết nhiều hơn thông tin về sự o ép của Trung Quốc, có thể ông Duterte sẽ bị ép phải chống Trung Quốc. Ngoài ra, NDAA 2019 cho Mỹ cơ hội bác giọng điệu của Bắc Kinh, gồm cáo buộc ngược Mỹ quân sự hóa Biển Đông, hoặc cáo buộc các nước ven Biển Đông cũng có những hoạt động hung hăng.
Việc thường xuyên thông tin về sự o ép, bắt nạt và quân sự hóa của Trung Quốc sẽ thách thức chiến dịch xuyên tạc của Bắc Kinh. Theo National Interest, cho đến nay, vì thiếu sự minh bạch về Biển Đông, dân Mỹ, các nhà nghiên cứu và giới truyền thông phải dựa vào công nghệ ảnh vệ tinh để nắm thông tin về cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông, vốn bắt đầu từ giữa thế kỷ 20, đôi lúc nóng lên trong những năm 1970 và 1990.
Trung tâm Nghiên cứu quốc tế-chiến lược (CSIS) đã lập Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) hồi cuối năm 2014, nhằm giúp dân Mỹ tiếp cận thông tin về Biển Đông. Qua năm 2015, giới truyền thông dựa hẳn vào ảnh vệ tinh của AMTI chụp các dự án cải tạo- quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc.
Các quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cũng thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình Biển Đông cho Reuters. Mới đây, Lầu Năm Góc cho người của CNN tháp tùng một chuyến bay tuần thám biển P-8A Poseidon thực hiện tuần tra FONOP, để cho dân Mỹ biết tàu chiến Trung Quốc thường cảnh cáo – xua đuổi máy bay Mỹ bay trên Biển Đông.
Vĩnh Thụy (theo National Interest)