Đối đầu với tàu chiến Mỹ là hành động thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 18:50, 06/10/2018
Ngày 30.9, khu trục hạm Decatur mang tên lửa dẫn đường thuộc lớp Arleigh Burke đã có cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) dài 10 giờ trong khu vực 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Khu trục hạm Lan Châu lớp Lữ Dương của hải quân Trung Quốc liền tiến đến, chỉ cách chiếc Decatur 41 mét, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh đâm va, theo người phát ngôn Nate Chrstensen của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc hải quân Mỹ cho biết hôm 1.10.
Ông Chstensen gọi đó là một cách tiếp cận “thiếu an toàn và không chuyên nghiệp” của hải quân Trung Quốc: “Khu trục hạm Trung Quốc chắn trước mũi tàu Mỹ với khoảng cách chưa đến 41m và khu trục hạm Decatur đã đổi hướng để tránh va chạm".
Chiếc Lan Châu dài 153m và có lượng choán nước 6.600 tấn, có thể chở 250 thủy thủ và có một cỗ pháo 100 li.
Chiếc Decatur hiện đại hơn, dài 155,5m và lượng choán nước 8.8986 tấn, có thể chở hơn 360 thủy thủ và mang theo 90 tên lửa.
Ngày 2.10, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết đã cử một tàu chiến ngăn và cảnh báo chiếc Decatur phải rời đi. Bộ khẳng định Trung Quốc “có chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ không thể chối cãi” trên các đảo và vùng nước quanh các đảo này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng ra tuyên bố kêu gọi Mỹ chấm dứt các hành động “khiêu khích” và “lập tức chỉnh sửa các sai phạm”.
Bắc Kinh đã tuyên bố toàn bộ chuỗi đảo Trường Sa là một phần trong chủ quyền toàn vẹn Biển Đông. Trung Quốc cũng tuyên bố có quyền xây dựng cơ sở “phòng vệ” tại khu vực để mở rộng tuyến phòng thủ xa khỏi bờ biển Trung Quốc và bảo vệ tuyến cung ứng dầu về Trung Quốc, nhưng Mỹ cáo buộc Trung Quốc xây “pháo đài nổi” trên các đảo nhân tạo xây trái phép.
Hành động nguy hiểm cố tình của hải quân Trung Quốc
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nhà nghiên cứu Colin Koh thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) nói: “Hành động của hải quân quân đội Trung Quốc (PLA) không gì khác hơn một hành động tính toán cố tình. Theo quy định lưu thông bình thường để bảo đảm an toàn hàng hải, chúng ta không thể chứng kiến các tàu đến quá gần nhau như thế”.
Ông Koh khẳng định Trung Quốc đã xây dựng khả năng hải quân và muốn phô trương sức mạnh tại khu vực Biển Đông. Vụ suýt đâm va gần Đá Gaven xảy ra bất chấp Mỹ-Trung năm 2014 đã ký một thỏa thuận ứng xử nhằm tránh đối đầu ngoài ý muốn.
Giáo sư Carl Thayer của Đại học bang New South Wales ((Úc) nói hành động của PLA rõ ràng là Bắc Kinh cố tình thể hiện quyết tâm bảo vệ “chủ quyền lãnh thổ” Biển Đông. Ông nói: “Đây là hành động hung hăng và nguy hiểm nhất của Trung Quốc, từ khi ông Donald Trump làm tổng thống Mỹ. Tất cả các chuyến tuần tra FONOP của Mỹ đều bị tàu chiến và máy bay Trung Quốc bám theo, xua đuổi khỏi khu vực, nhưng chưa lần nào áp sát thật nguy hiểm như lần này. Trung Quốc đã phát đi thông điệp “chúng tôi có chủ quyền” dù thậm chí không ai chấp nhận điều đó”.
Giáo sư Tô Hạo ở Học viện Ngoại giao Trung Quốc có ý kiến khác, nói “Trung Quốc cảm thấy phải hành động vì theo quan điểm của mình, rõ ràng là Mỹ khiêu khích cấp độ cao, khi tàu chiến Mỹ đi vào vùng 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Vành Khăn mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền”.
Vị học giả này nói Mỹ khiêu khích trước, Trung Quốc phải phòng vệ: “Tàu chiến Mỹ sẽ không rời khỏi khu vực nếu tàu chiến Trung Quốc không tiến đến gần”.
Bà Trương Khiết, một nhà nghiên cứu quan hệ đối ngoại ở Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói có thể Trung Quốc đã phản ứng mạnh hơn mức bình thường, vì sức ép đang dần tăng đè lên Trung Quốc ở Biển Đông, không chỉ từ Mỹ mà còn từ Anh và Nhật Bản cũng đang thách đố việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền Biển Đông phi lý. Bà nói: “Trong quá khứ, tàu chiến Trung Quốc chỉ phát lệnh cảnh cáo tàu chiến Mỹ”.
Cả hai ông Koh và Thayer đều cho rằng Bắc Kinh còn có thể lợi dụng sự cố ấy để kích động tinh thần yêu nước của người dân Trung Quốc, và tăng sự ủng hộ dành cho đảng Cộng sản Trung Quốc.
Giáo sư Thayer nói: “Tôi không tin hạm trưởng Trung Quốc dám tự ý làm thế. Vì nếu tàu đâm va vào nhau thì sẽ có hậu quả lớn”.
Mỹ sẽ tập trận rầm rộ ở Biển Đông và eo biển Đài Loan?
Theo SCMP, trong một động thái có thể làm tăng căng thẳng trên Biển Đông, CNN hôm 4.10 đưa tin từ tháng 11 tới, Hạm đội Thái Bình Dương sẽ triển khai kế hoạch tổ chức nhiều cuộc tập trận trên Biển Đông và eo biển Đài Loan.
Thông tin của CNN chưa được kiểm chứng, nói các cuộc tập trận sẽ chứng tỏ khả năng Mỹ có thể nhanh chóng đánh bại bất kỳ kẻ thù tiềm năng nào trên nhiều mặt trận, và thực hiện quyền tự do đi lại trên vùng hải phận quốc tế, nhất là ở Biển Đông, nơi mà các ảnh vệ tinh đã vạch trần hoạt động của Trung Quốc xây trái phép và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông trong những năm gần đây.
Theo đài CNN, đề xuất này đồng nghĩa tàu chiến, máy bay Mỹ sẽ hoạt động gần các lực lượng Trung Quốc, có nguy cơ dẫn đến phản ứng mạnh từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Mỹ khẳng định họ không hề muốn xung đột.
Giáo sư Tô Hạo nói nếu Washington thúc đẩy kế hoạch này, Bắc Kinh sẽ có thể tăng sự hiện diện quân sự ở cả Biển Đông lẫn eo biển Đài Loan nhằm duy trì thế cân bằng lực lượng, khiến các nước Đông Nam Á bị kẹp giữa hai thế lực quân sự Mỹ-Trung.
Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng từ khi ông Trump làm tổng thống Mỹ. Ông tuyên bố chiến tranh thương mại với Trung Quốc và duyệt bán vũ khí trị giá 1,3 tỉ USD cho Đài Loan, khiến Bắc Kinh khó chịu. Hai bên đã có những vòng áp thuế trả đũa lẫn nhau, gồm cả việc Trung Quốc cấm tàu tấn công đổ bộ Wasp của hải quân Mỹ thăm Hồng Kông trong tháng 10.
Bắc Kinh cũng hủy các cuộc đối thoại quân sự với Mỹ, do chuyện PLA bị Mỹ cấm vận vì mua chiến đấu cơ và tên lửa phòng không của Nga.
Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)