Trung Quốc 'cài bẫy' Philippines bằng dự án cùng khai thác dầu khí Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 11:57, 11/11/2018
Ông Tập sẽ đến Manila sau khi ông dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC 2018) sẽ bế mạc ngày 18.11 tới ở đảo quốc Papua New Guinea.
Bắc Kinh thúc giục Philippines ký thỏa thuận “cùng khai thác dầu khí”
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), vấn nạn này “chọc gậy bánh xe” vào nhiệm vụ của Ngoại trưởng Vương Nghị. Suốt năm 2017, nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc thúc giục Tổng thống Philippines gạt bỏ tranh chấp chủ quyền Biển Đông, và kêu gọi Tổng thống Rodrigo Duterte phê duyệt “hợp đồng cùng khai thác” nguồn tài nguyên dầu khí ở vùng biển này.
Về phần mình, ông Duterte có vẻ nghe lời ông Vương, so sánh vụ cùng khai thác là “đồng sở hữu” và hồi tháng 7.2017, ông Vương lại kêu gọi tiến hành ký thỏa thuận khi gặp Ngoại trưởng Philippines lúc đó là ông Alan Peter Cayetano.
Kế hoạch là trong tháng 9.2018 sẽ phê duyệt một dự thảo thỏa thuận, nhưng bão Măng Cụt làm trì hoãn tiến trình này, và vào lúc ông Vương trở lại Manila, Tổng thống Duterte đã chỉ định ông Teodoro Locsin làm tân Ngoại trưởng.
Ban đầu, lẽ ra ông Locsin - một luật sư, nghị sĩ và từng là Đại sứ Philippines tại LHQ sẽ thừa kế bản dự thảo hợp đồng mà tiền nhiệm Cayetano để lại, và thỏa thuận sẽ được tiến hành theo đúng kế hoạch.
Trước khi từ chức Ngoại trưởng để tái tranh cử vào Quốc hội Philippines, ông Cayetano nói với giới báo chí: “Tôi vẫn còn cả ngày để kết thúc bản dự thảo, nhưng tôi có thể nói nó tốt về pháp lý và đạo đức, từ quan điểm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi kinh tế”.
Tổng thống Duterte gặp Ngoại trưởng Vương Nghị - Ảnh: Manila Times
Lời phủ nhận dự thảo thỏa thuận “cùng khai thác” của hai Bộ trưởng Philippines
Ngày 28.10.2018, Ngoại trưởng Vương đến thành phố Davao, kịp dự tiệc sinh nhật 48 tuổi của ông Cayetano. Hôm sau, ông Vương gặp ông Locsin và theo một nhà quan sát, phát biểu của ông Vương sau cuộc gặp này có thể cho thấy mọi sự vẫn ổn thỏa.
Vị Ngoại trưởng đã nói: “Trung Quốc sẵn sàng bàn thêm với Philippines về việc hai bên cùng khai thác dầu khí ở biển Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) xóa bỏ những bất đồng và theo đuổi kế hoạch cùng khai thác”.
Nhưng với Giáo sư luật Jay Batongbacal của Đại học Philippines, câu “Trung Quốc sẵn sàng bàn thêm...” là một cách nói vẫn còn lâu mới có thể đạt đến thỏa thuận.
Ông Batongbacal là một chuyên gia về Biển Đông và là Chủ nhiệm Viện các vấn đề hàng hải và Luật biển (Philippines), nói: “Tôi không nghĩ họ sẵn sàng ký bất kỳ tài liệu nào. Thay vào đó, lúc ông Tập thăm Philippines, Trung Quốc sẽ ký vài tuyên bố chung hoặc “khung làm việc”... mà sau đó mới điền đủ các điều khoản chi tiết”.
Bình luận của Ngoại trưởng Locsin một tuần sau cuộc gặp ông Vương xem ra xác nhận nhận định của ông Batongbacal.
Ngày 2.11.2018, bình luận về thông tin của kênh Al Jazeera rằng, ngư dân Philippines lo ngại thỏa thuận cùng khai thác dầu khí, ông Locsin viết Twitter: “Hợp đồng dầu khí nào? Hãy hỏi Cusi là người nắm mảng dầu khí, vì hiện Bộ Ngoại giao (DFA) chúng tôi không hề có thỏa thuận nào. Vẫn chỉ đang đàm phán, nhưng không có dự thảo hay gợi ý nào cả. Cũng không có việc Bộ Ngoại giao không biết gì. Điều tôi biết là một thỏa thuận với Israel mà Cusi mời tôi chứng kiến”.
Ý ông là Bộ trưởng Năng lượng (DOE) Alfonso Cusi. Ngày 7.11, ông Cusi nói: “Tôi không biết có thỏa thuận cùng khai thác” nào liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, nhưng “có thể” đã có đàm phán về một thỏa thuận, và ông sẽ chuyển lên Tổng thống Duterte xem xét nếu có thỏa thuận cùng khai thác.
Ngoại trưởng Vương Nghị (trái) với Ngoại trưởng Cayetano của Philippines - Ảnh: SCMP
Chánh án vạch trần bẫy của Trung Quốc cài chờ chính quyền Philippines “dính”
Quyền Chánh án Toà án Tối cao Philippines Antonio Carpio nhấn mạnh: quan điểm “dẹp bỏ bất đồng và theo đuổi kế hoạch cùng khai thác” của Ngoại trưởng Vương chính là “bẫy của Trung Quốc”, và dẫn một đoạn trong bài viết không đề ngày và mang tựa “Dẹp bỏ bất đồng và theo đuổi cùng khai thác” đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ở đoạn kế chót của bài viết đề cập chính phủ Trung Quốc ưu tiên quan tâm điều cốt lõi của “đồng khai thác” là “chủ quyền của vùng lãnh thổ của Trung Quốc”.
Ông Carpio tóm tắt: “Nói chung, nếu chúng tôi chấp nhận quan điểm của Bắc Kinh, thì tức là chúng tôi chấp nhận chủ quyền của Trung Quốc ở những vùng lãnh thổ tranh chấp. Đấy là một cái bẫy. Chúng tôi không thể đàm phán dựa theo quan điểm của Trung Quốc”.
Hồi tháng 10.2018, Ngoại trưởng Vương nói Trung Quốc sẵn sàng đàm phán “cùng khai thác” mà “không có thành kiến nào về tuyên bố chủ quyền của mỗi bên”, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc không là kẻ thù, cũng không là mối đe dọa cho Philippines.
Ngoại trưởng Vương Nghị (trái) bắt tay người đồng cấp Philippines Locsin - Ảnh: CNN Philippines
Giáo sư luật Batongbacal cũng nhất trí, rằng kế hoạch của Trung Quốc có thể vi phạm Hiến pháp Philippines: “Thông qua CNOOC, Trung Quốc muốn chia đôi kinh phí, và Trung Quốc xem như thế là một sự nhượng bộ vì họ đã tuyên bố sở hữu tất cả”.
Nhưng một thỏa thuận như thế là vi phạm Hiến pháp Philippines, vốn quy định “kinh phí sản xuất phải do phía thầu gánh chịu 100 %, nhà nước Philippines không phải chịu kinh phí này, đồng thời quyền làm chủ nguồn tài nguyên thuộc về Philippines 100 %”, theo ông Batongbacal nói.
Vị học giả cũng nói rằng ngay cả khi không có thỏa thuận nào, Trung Quốc vẫn “nằm kèo trên”, vì “Điều nhiều người không nhận ra được, là Trung Quốc chỉ muốn chúng ta không thăm dò, khai thác Biển Tây Philippines. Thế thôi. Họ càng ưng bụng khi chúng tôi không làm điều đó”.
Ông Batongbacal còn là một thành viên Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á, ông nói Trung Quốc chưa cần khai thác dầu khí như Philippines cần: “Điều quan trọng nhất đối với Trung Quốc là chặn Philippines khai thác. Và để khuyến khích, Bắc Kinh đã tuyên bố có 10 thỏa thuận sẵn sàng được ký với Philippines, trị giá 14 tỉ USD”.
Theo Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez, dự kiến Philippines sẽ ký ít nhất 5 thỏa thuận kinh tế với Trung Quốc, gồm các thỏa thuận vay thêm tiền của Bắc Kinh để xây dựng cơ sở hạ tầng theo chương trình “Xây, Xây và Xây” của Manila.
Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)