Mỹ - Trung chơi ‘trò gà chọi’ trên Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 20:39, 09/11/2018
Trên báo New York Times ngày 8.11, ông Taylor nói: “ Chỉ là vấn đề thời gian trước khi nổ ra một cuộc va chạm. "Trò gà chọi" đang được bao quanh những điểm nóng ở châu Á”.
Ông dùng chữ “trò gà chọi”, vốn là một trò chơi mà hai tài xế lao xe vào nhau, và một người sẽ phải rẽ ngoặt gắt nếu không muốn cả hai người đều chết vì xe húc vào nhau. Nhưng nếu người nào rẽ lái thì sẽ bị gọi là “gà”, có nghĩa hèn nhát.
Ý vị chuyên gia đề cập vụ suýt đâm, va vào nhau hôm 30.9, giữa hai tàu chiến Mỹ - Trung, khi khu trục hạm Lan Châu của hải quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) áp sát trước mũi khu trục hạm Decatur của hải quân Mỹ ở khoảng cách 41 mét. Tàu chiến Mỹ sau đó đã phải đổi hướng để tránh đâm va, khiến cả hai có thể hư hỏng nặng, làm chết thủy thủ đoàn, có thể đẩy hai cường quốc vào một cuộc khủng hoảng quốc tế, theo một quan chức cấp cao chính phủ Mỹ giấu tên cho biết.
Khi ấy, chiếc Decatur với 300 thủy thủ Mỹ đã di chuyển vào khu vực 12 hải lý gần đá Gạc Ma và Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Hoạt động này của chiếc Decatur chính là cách Mỹ thể hiện quan điểm vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây trái phép là trái pháp luật quốc tế, đi ngược phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế (PCA) tháng 7.2016, nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết PCA.
Khu trục hạm Decatur - Ảnh : Hải quân Mỹ
Không thể hy vọng có đột phá hạ nhiệt “thùng nước sôi”
Sự cố kể trên đã phản ánh điều các chỉ huy quân Mỹ lo ngại một giai đoạn đối đầu mới trên Biển Đông, bất kể Mỹ - Trung và một số nước khác đã có Bộ Qui tắc tránh va chạm trên biển, nhằm tránh leo thang tình hình căng thẳng.
Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 9.11 (giờ Mỹ) sẽ đón tiếp người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa ở Washington, nhằm nỗ lực hạ nhiệt “thùng nước sôi”, kéo giảm nguy cơ tính toán sai giữa hai bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và Mỹ bàn chuyện hạ nhiệt Biển Đông - Ảnh : New York Times
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng tiếp Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. Nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cùng tuyên bố Mỹ sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ làm khó cho mục tiêu cuộc gặp giữa hai vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Trung.
Và theo Times, bất chấp các nguy cơ, chưa bên nào chịu xuống giọng. Sau vụ suýt đâm va của hai tàu chiến Mỹ - Trung, Đô đốc John Richardon, chỉ huy tác chiến của hải quân Mỹ, cảnh báo: “Mỹ-Trung sẽ còn gặp nhau nhiều ở vùng khơi xa”.
Ông cũng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Bộ Qui tắc tránh va chạm trên biển, nhằm “giảm thiểu nguy cơ tính toán sai có thể dẫn đến một sự cố cấp khu vực và nguy cơ leo thang”, và kêu gọi tàu chiến Trung Quốc ngưng hành xử như “bá chủ Biển Đông”.
Năm 2017, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho hải quân Mỹ tiến hành nhiều cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, nhiều tàu chiến áp sát các vùng nước quanh những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây căn cứ quân sự trái phép. Gần đây, Mỹ cũng kêu gọi các đồng minh đưa tàu chiến thực hiện nhiệm vụ bác bỏ tuyên bố chủ quyền Biển Đông vô lý của Bắc Kinh.
Ông Ngô Sĩ Tồn, Chủ tịch Viện nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc) thường có ý kiến về hải quân Trung Quốc nói: “Để đối phó tình hình này, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ có các bước cần thiết để buộc các hành động khiêu khích của Mỹ và các nước liên quan phải trả giá đắt”.
Theo Times, khi Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến và máy bay đến Biển Đông để thách đố Mỹ, những cuộc đối đầu như vụ Decatur đã tăng tần suất. Mỹ nói đã có 18 sự cố không an toàn trên biển và trên trời giữa tàu chiến và máy bay Mỹ- Trung ở khu vực Thái Bình Dương hồi năm 2017, tăng nhẹ so với các năm trước đó.
Các nhà phân tích nói việc không có một thỏa thuận giữa Mỹ - Trung về các qui định hành xử trên Biển Đông làm tăng nguy cơ xảy ra đâm va chết người. Năm 2001, một vụ đâm va xảy ra giữa một chiến đấu cơ Trung Quốc với một chiếc máy bay tuần thám biển EP-3 của Mỹ ở ngoài khơi đảo Hải Nam đã làm chết phi công Trung Quốc, khiến quan hệ Trung-Mỹ xuống cấp suốt nhiều tháng.
Sau đó, hai chính phủ đồng ý lập một đường dây nóng giữa hai lực lượng vũ trang, để giải quyết những sự cố này, nhưng đường dây nóng thường xuyên “nguội”, không hoạt động hiệu quả.
Thời Chiến tranh Lạnh, Mỹ - Liên Xô đạt Thỏa thuận đề phòng các sự cố trên biển, nhằm bảo đảm quyền tự do hàng hải ở vùng biển xa, cho phép hai thế lực theo đuổi những mục tiêu riêng.
Nhưng sự thù địch của Mỹ - Trung chủ yếu vì chuyện Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền Biển Đông vô lý, và Mỹ quyết bác bỏ. Hai bên đều đã tuyên bố sẽ không bao giờ có sự nhượng bộ nào để kéo giảm hoặc phòng tránh những vụ đối đầu.
Tàu chiến Trung Quốc trong ống nhòm của sĩ quan tàu chiến Mỹ - Ảnh: New York Times
“Khả năng thắng trận của hải quân Mỹ mỏng như dao lam”
Nguy cơ đối đầu càng tăng sự quan ngại của Mỹ. Hồi tháng 5, Chỉ huy quân Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM), Đô đốc Philip Davidson báo cáo Quốc hội Mỹ: Trung Quốc kiểm soát Biển Đông với “toàn bộ kịch bản chiến tranh”.
Từ đó có sự tái đánh giá chiến lược và các ưu tiên chi tiêu cho hải quân Mỹ. Nhưng khi chính phủ Mỹ thúc đẩy lực lượng này tích cực hoạt động ở Biển Đông, Washington lại không tăng phương tiện như Trung Quốc đã làm.
Năm 2017, Trung Quốc có 317 tàu chiến và tàu ngầm, so với hải quân Mỹ có 283 chiếc. Dù 60 % lực lượng của Mỹ tập trung ở Thái Bình Dương, chỉ có một lực lượng nhỏ được triển khai quanh Trung Quốc.
Lầu Năm Góc dự báo từ năm 2025, quân đội Trung Quốc sẽ tăng 30 % chiến đấu cơ và có 4 tàu sân bay (hiện có 2), và Trung Quốc được cho là sẽ có thêm nhiều khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường, các phương tiện chiến tranh chống ngầm và tên lửa siêu thanh.
Sự lo ngại của Mỹ về khả năng hiện đại hóa hải quân của Bắc Kinh được phản ánh trong một cuốn sách hư cấu, mang tựa “Chúng ta thua cuộc chiến Thái Bình Dương thế nào”, được tạp chí hải quân Mỹ xuất bản.
Tác giả cuốn sách này là Dale Rielage, chủ nhiệm hoạt động tình báo - thông tin của Hạm đội Thái Bình Dương, mô tả hậu quả u ám cho hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương. Qua cách trình bày như một báo cáo quân sự từ năm 2025, rằng Mỹ không tích cực thách thức Trung Quốc khi vẫn còn có thể.
Cuốn sách còn mô tả một đô đốc vừa đảm nhiệm vị trí chỉ huy tác chiến hải quân, đã phải chứng kiến khả năng thắng trận của hải quân Mỹ trong một cuộc chiến tranh trên biển đã trở nên “mỏng như dao lam và tiếp tục co rút”.
Cuốn sách không hề viết “phe kia”, mà nói thẳng: đối thủ của Mỹ chính là Trung Quốc....
Vĩnh Thụy (theo New York Times)