Tiến độ đóng tàu sân bay mới của Trung Quốc bị chậm vì căng thẳng với Mỹ
Chuyển động - Ngày đăng : 06:21, 28/11/2018
Tân Hoa Xã hôm 25.11 đưa tin nước này đang tiến hành công tác đóng tàu Type 002. Theo một nguồn thạo tin thì đây là lần đầu tiên một phương tiện truyền thông chính thống Trung Quốc xác nhận chuyện này, một dấu hiệu cho thấy phần sống tàu đã được đặt.
Sống tàu tạo lực chính cho khung, giúp giữ thăng bằng, giảm sức sóng nhồi và làm cho tàu dễ điều khiển hơn.
Trung Quốc hiện sở hữu hai tàu sân bay. Chiếc Liêu Ninh được đưa vào sử dụng vào năm 2012, sau đó đến Type 001A năm 2017. Giới chuyên gia dự đoán hải quân Trung Quốc sẽ tiếp nhận Type 002 nhân dịp kỷ niệm 70 năm quốc khánh (1.10.2019).
Trước đó có thông tin Type 002 hiện đại hơn khi sử dụng hệ thống phóng bằng điện từ (EMALS). Ưu điểm của EMALS là tốn ít chi phí, dễ bảo trì và có thể hỗ trợ phóng nhiều loại máy bay có trọng lượng khác nhau. Máy bay sử dụng EMALS cũng ít hư hại hơn.
Nhưng một số nguồn tin nội bộ tiết lộ tiến độ đóng tàu sân bay mới nay bị chậm lại do cắt giảm ngân sách và chi phí liên quan đến tiêm kích J-15 tăng cao.
J-15 xảy ra hàng loạt sai sót kỹ thuật. Có ít nhất 4 tai nạn liên quan đến loại tiêm kích này, mặc dù chỉ có 2 vụ được truyền thông Trung Quốc đưa tin. Theo một nguồn tin: “Cho đến nay họ chưa thể phát triển một tiêm kích đủ uy lực hoạt động trên Type 002”.
Một nguồn tin khác lại cho biết: “Một vấn đề khác làm chậm công tác đóng tàu Type 002 là động cơ WS-10H trang bị cho J-15 có tuổi thọ ngắn”.
Công nghệ mới giúp nâng tuổi thọ WS-10H từ 800 lên 1.500 giờ bay, nhưng như vậy vẫn kém xa F414 (của tiêm kích F-18 Super Hornets Mỹ) với 4.000 giờ bay.
“WS-10H vẫn chưa sánh bằng công nghệ Mỹ. Do đó, Trung Quốc phải sản xuất nhiều động cơ hơn để hỗ trợ cho J-15 hoạt động. Điều này rất tốn kém, cần hàng triệu Nhân dân tệ cho mỗi động cơ WS-10”, nguồn tin trên phân tích.
Nguồn tin này còn nhận định Trung Quốc nhiều khả năng phải thay đổi kế hoạch chứ không thể đạt mục tiêu sở hữu 4 tàu sân bay vào năm 2030, vì cải cách quân sự làm giảm ngân sách và “khai tử” nhiều cơ quan. Các yếu tố kinh tế - chính trị khác cũng góp phần làm chậm tiến độ.
Theo nguồn tin: “Một hãng đóng tàu vốn dĩ bắt đầu đóng tàu sân bay thứ tư, nhưng việc này vừa bị trì hoãn gần đây, giữa lúc chiến tranh thương mại với Mỹ đang diễn ra. Bắc Kinh không muốn khiến Washington tức giận thêm nữa, trong khi nền kinh tế lại phát triển chậm lại do căng thẳng song phương”.
Cẩm Bình (theo SCMP)