Trung Quốc hoang mang khi Mỹ phát triển 'Siêu pháo' tại Biển Đông

Chuyển động - Ngày đăng : 08:57, 29/01/2019

Hôm thứ tư tuần trước, Bộ trưởng lục quân Mỹ Mark Esper đã tiết lộ quân đội Mỹ đang phát triển loại siêu pháo với tầm bắn 1.000 dặm (1.610km). Với hỏa lực như vậy, quân đội Mỹ có khả năng tấn công các mục tiêu di động ở Biển Đông từ một ụ pháo trên đất liền.
Mỹ phát triển các vũ khí tầm xa - Ảnh: Internet

"Bạn có thể tưởng tượng một kịch bản là Hải quân cảm thấy họ không thể tiến vào Biển Đông vì các tàu hải quân Trung Quốc hoặc vì bất cứ điều gì", Esper nói trong một cuộc thảo luận với phóng viên mà không hề né tránh cái tên Trung Quốc. "Khi ấy, chúng tôi có thể - từ một địa điểm cố định, trên đảo hoặc ở một nơi khác - khóa mục tiêu kẻ thù, khóa mục tiêu trên biển, ở khoảng cách xa". Esper cho rằng đó là một cách hiệu quả khiến đối thủ phải mở cửa Biển Đông.

Khi được hỏi tại sao quân đội cần pháo binh có thể bắn xa đến 1.000 dặm, Esper giải thích quân đội Mỹ cần phải bắn xa hơn pháo của đối phương. "Bạn muốn ở ngoài phạm vi mà kẻ thù có thể tấn công bạn," Esper cho biết và dùng hình ảnh thanh kiếm và ngọn giáo để minh họa cho triết lý của mình. "Tại sao ngọn giáo lại xuất hiện? Bởi vì đối thủ có một thanh kiếm. Một ngọn giáo mang lại cho bạn tầm sát thương xa hơn. Bạn muốn luôn đứng ở vị trí mà bạn có thể tấn công trong khi không bị đánh trả. Đó là những gì pháo binh tầm xa mang lại cho chúng ta".

Thông tin Mỹ phát triển siêu pháo với tầm bắn 1.000 dặm sẵn sàng khóa tàu chiến Trung Quốc ở Biển Đông khiến Trung Quốc lo lắng. Wei Dongxu, một nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh, nói với Thời báo Hoàn cầu (phụ san của Nhân dân nhật báo) hôm thứ hai rằng một vũ khí như vậy có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho tàu (Trung Quốc).

Một số tỏ ra không tin Mỹ có thể làm được siêu pháo này. Một chuyên gia quân sự Trung Quốc yêu cầu không được nêu tên đã nói với Thời báo Hoàn cầu rằng nếu là đại pháo thì tầm bắn không quá 100km. Ngay cả khẩu súng điện từ mà Mỹ đang phát triển cũng có tầm bắn không quá 300km. Vì vậy, theo chuyên gia ẩn danh, "pháo đại bác bắn xa 1.000 dặm" ​​mà Bộ trưởng lục quân Mỹ cho biết rất có thể là một loại tên lửa.

Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng cụm từ "siêu pháo" (supergun) có thể là vỏ bọc để Mỹ phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung giống DF-26 có khả năng nhắm vào các tàu đang di chuyển mà không bị ràng buộc bởi Hiệp ước INF.

Trong lúc hoang mang không biết siêu pháo 1.000 dặm của Mỹ là thứ gì thì Trung Quốc khoe khoang DF-27 hay còn được gọi "Sát thủ với đảo Guam" (Guam killer) với tầm bắn 4.500km (có thể vươn từ Trung Quốc đến đảo Guam của Mỹ).

Lực lượng tên lửa Trung Quốc hôm 23.1 lần đầu tiên công bố video phóng thử tên lửa DF-26 trong cuộc tập trận bắn đạn thật ở khu vực tây bắc nước này. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng lần phóng thử này chứng minh năng lực chống hạm của DF-26.

Nhưng Mỹ tự tin có thể gây nhiễu, chế áp hệ thống truyền dữ liệu và vệ tinh của Trung Quốc, khiến tên lửa DF-26 mất phương hướng trong khi bay và không thể đánh trúng tàu sân bay trên biển. "Hãy nhớ rằng Liên Xô chưa bao giờ phát triển thành công tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) và chưa có quốc gia phương Tây nào sở hữu tên lửa tương tự", cựu tư lệnh Trung tâm Tình báo Hỗn hợp Thái Bình Dương của Mỹ Carl Schuster nói.

Anh Tú