Năm nay, Mỹ sẽ cứng rắn với trò lập lờ của Trung Quốc trên Biển Đông

Chuyển động - Ngày đăng : 07:32, 09/02/2019

Theo các nhà phân tích quân sự và quan hệ quốc tế từ Mỹ và Úc, chính quyền Mỹ ​​sẽ có nhiều biện pháp sẵn sàng và mạnh mẽ hơn trước chiến thuật vùng xám đầy lập lờ của Trung Quốc.
Mỹ phát triển vũ khí mới trên biển - Ảnh: Internet

"Vùng xám" là một khái niệm chỉ sự tranh tối, tranh sáng, khó phân biệt trắng đen đang được Trung Quốc sử dụng một cách láu cá trên Biển Đông. Các hành động kiểu vùng xám thường làm mờ ranh giới giữa khái niệm quân sự và phi quân sự, được Trung Quốc sử dụng như một chiến thuật khẳng định yêu sách lãnh thổ.

Chiến thuật vùng xám mà Bắc Kinh thực hiện bao gồm việc triển khai các tàu bảo vệ bờ biển phi quân sự hay tàu dân quân (nhưng có hỏa lực khá mạnh) như kiểu cảnh sát biển, kiểm ngư, hải giám... để mở rộng đáng kể sự hiện diện của Trung Quốc tại vùng biển Đông và Hoa Đông.

Lyle Morris, một nhà phân tích chính sách cao cấp ở Washington là người đã nghiên cứu sâu tình hình ở các vùng biển nói trên. Theo ông Morris, sự hiện diện phi quân sự kiểu này có thể buộc quốc gia khác không thể hoạt động trong các khu vực tranh chấp.

Sở dĩ Trung Quốc sử dụng chiến thuật vùng xám là vì họ vừa muốn khoe cơ bắp trước các láng giềng yếu hơn nhưng lại không để cho quốc tế có cơ hội lên án việc họ dùng sức mạnh quân sự.

Lời kêu gọi của các chuyên gia được đưa ra ngay sau khi Đô đốc hải quân Mỹ John Richardson hôm thứ tư vừa rồi cũng lên án việc Trung Quốc chơi trò lập lờ trên Biển Đông và khiến hải quân Mỹ bối rối. “Ra cơ chế thực thi sẽ khiến cho việc lập lờ không tuân thủ quy tắc khó xảy ra hơn”, ông Richardson tuyên bố.

Thậm chí, ông Richardson còn tuyên bố Mỹ cần phát triển vũ khí thế hệ mới như súng điện từ để sẵn sàng với kịch bản đối phó với Trung Quốc trên biển.

Còn hồi cuối tháng 1, Bộ trưởng lục quân Mỹ Mark Esper đã tiết lộ quân đội Mỹ đang phát triển loại siêu pháo với tầm bắn 1.000 dặm (1.610km). Với hỏa lực như vậy, quân đội Mỹ có khả năng tấn công các mục tiêu di động ở Biển Đông từ một ụ pháo trên đất liền.

"Bạn có thể tưởng tượng một kịch bản là hải quân cảm thấy họ không thể tiến vào Biển Đông vì các tàu hải quân Trung Quốc hoặc vì bất cứ điều gì", Esper nói trong một cuộc thảo luận với phóng viên mà không hề né tránh cái tên Trung Quốc. "Khi ấy, chúng tôi có thể - từ một địa điểm cố định, trên đảo hoặc ở một nơi khác - khóa mục tiêu kẻ thù, khóa mục tiêu trên biển, ở khoảng cách xa". Esper cho rằng đó là một cách hiệu quả khiến đối thủ phải mở cửa Biển Đông.

Những lời phát biểu của các sĩ quan cao cấp trong Bộ quốc phòng Mỹ cho thấy Lầu Năm Góc đang thật sự nghĩ đến chuyện chơi rắn với Trung Quốc ở Biển Đông dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Trong một báo cáo được công bố vào hôm thứ sáu 8.2 bởi Đại học Sydney và Diễn đàn Thái Bình Dương (một viện nghiên cứu chính sách đối ngoại có trụ sở tại Honolulu), các chuyên gia đã kêu gọi Washington hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh để đẩy lùi chiến thuật vùng xám của Bắc Kinh. Các biện pháp được đề xuất bao gồm thiết lập các lằn ranh đỏ rõ ràng và cùng các đồng minh có khả năng như Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc tăng cường chiến lược răn đe.

Theo SMCP, nhiều nước và giới chuyên gia gần đây liên tục cảnh báo về những hoạt động gây quan ngại và mất ổn định của tàu hải cảnh và tàu "dân quân biển" Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông. Những lực lượng này được cho là công cụ để Bắc Kinh đạt ý đồ trên các vùng biển mà không cần phải triển khai hải quân.

“Lực lượng này được trả lương nên hầu như không có chức năng đánh bắt để kiếm nguồn thu về thương mại mà đóng vai trò lớn trong những hoạt động dọa dẫm nhằm phục vụ mục đích chính trị của Trung Quốc”, báo cáo đưa ra hồi tháng 10.2018 của Lầu Năm Góc cảnh báo về hoạt động của đội tàu cá Trung Quốc.

Anh Tú