Tàu chiến trên Biển Đông phủ bóng đen lên cuộc đàm phán Mỹ - Trung

Chuyển động - Ngày đăng : 07:12, 12/02/2019

Theo CNN, Hải quân Mỹ trong ngày 11.2 đã điều hai tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường đến Biển Đông và điều này khiến Bắc Kinh đang rất phẫn nộ.
Tàu chiến Mỹ thực thi nhiệm vụ tự do hàng hải - Ảnh: Internet

Hôm thứ hai 11.2, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đều bày tỏ hy vọng về một vòng đàm phán mới sẽ đưa họ xích gần nhau hơn và làm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại kéo dài 7 tháng giữa hai nước. Nhưng nỗ lực này đang bị phủ bóng khi quan hệ hai nước lại căng thẳng trước các diễn biến từ Biển Đông mà xuất phát từ những yêu sách vô lý của Trung Quốc tại khu vực này.

Cụ thể, cũng trong ngày 11.2, hai tàu khu trục lớp Arleigh Burke - USS Spruance và USS Preble - đã thực hiện chiến dịch tự do hàng hải, đi vào trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Mục đích của chiến dịch mà 2 con tàu thực hiện là "thách thức các yêu sách hàng hải quá đáng (của Trung Quốc) và bảo đảm quyền tiếp cận các tuyến đường thủy", cũng như cho thấy Mỹ "sẽ đi đường không, đường thủy và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", Clay Doss, phát ngôn viên của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ, khẳng định trên CNN.

Ngay lập tức, Bắc Kinh chỉ trích gay gắt hoạt động này. Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ đi vào cái gọi là "vùng biển Trung Quốc mà không được phép và tham gia vào các hành động khiêu khích, đe dọa chủ quyền của Trung Quốc". Trên thực tế, quốc tế không hề thừa nhận đó là vùng biển của Trung Quốc và Trung Quốc cũng không hề có chủ quyền gì tại Trường Sa.

Đây là lần thứ 2 trong năm nay, Hải quân Mỹ điều binh đi vào khu vực 12 hải lý quanh các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp trên Biển Đông. Hồi tháng trước, tàu khu trục USS McCampbell đã di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh một vị trí mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Việc Hải quân Mỹ tiếp tục có các hoạt động cứng rắn thể hiện đúng chính sách ngoại giao mạnh mẽ của Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump. Sự cứng rắn của giới quân sự Mỹ càng được đẩy lên cao trong lúc chiến tranh thương mại giữa hai nước sắp bước vào hồi căng thẳng.

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang cố gắng đạt thỏa thuận trước thời hạn ngày 1.3. Nếu thỏa thuận bất thành thì thuế quan của Mỹ đối với số hàng trị giá 200 tỉ USD của Trung Quốc xuất sang thị trường Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 10% lên 25%. Mức thuế đó sẽ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc khi hàng hóa của họ không thể tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng như trước.

Nhưng cái giá để Trung Quốc đạt thỏa thuận với Mỹ cũng không rẻ nên Bắc Kinh vẫn lưỡng lự và lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Washington dự kiến sẽ tiếp tục thúc ép Bắc Kinh cam kết lâu dài rằng họ sẽ tiến hành cải cách cơ cấu để tạo hành lang bảo vệ các công ty Mỹ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chấm dứt các chính sách nhằm buộc chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc và hạn chế trợ cấp công nghiệp. Chỉ khi Bắc Kinh đáp ứng các yêu sách của Mỹ thì hàng rào thuế quan mới không nâng lên. Trung Quốc không còn dễ thở với Mỹ như thời Obama nữa.

Anh Tú