Philippines gửi công hàm phản đối Trung Quốc về điểm nóng ở Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 07:20, 02/04/2019
Theo ông Jason Ramon, tư lệnh bộ chỉ huy phía tây của quân đội Philippines, có tới 275 tàu và thuyền Trung Quốc đã được phát hiện trong năm nay quanh đảo Thị Tứ (trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam).
Phát ngôn viên của quân đội Philippines, ông Edgard Arevalo cảnh báo rằng rất khó để định lượng có bao nhiêu tàu quanh đảo tại mỗi thời điểm nhất định, vì các tàu Trung Quốc liên tục "đến và đi" khu vực quanh đảo.
Người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo cho biết Manila có đặt một số câu hỏi cho Bắc Kinh về sự hiện diện của rất nhiều tàu tại khu vực trên. "Đầu tiên, chúng tôi sẽ hỏi họ tại sao lại như vậy. Đầu tiên, nếu họ thừa nhận thực tế như chúng tôi xác định. Thứ hai, chúng tôi hỏi họ tại sao làm việc đó. Thứ ba, chúng tôi sẽ lịch sự yêu cầu họ không làm những gì họ đang làm nữa", Panelo phát biểu trên CNN.
Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, ông Triệu Kiến Hoa, cho biết Bắc Kinh đang cố gắng xác minh có bao nhiêu tàu xung quanh Thị Tứ. Phía Trung Quốc cho là các tàu cá có thể "không vũ trang".
Nghị sĩ đối lập Gary Alejano hôm thứ bảy, 30.3 cho rằng chính quyền Duterte không nên để Trung Quốc thiết lập bất kỳ sự hiện diện lâu dài nào xung quanh Thị Tứ.
"Trung Quốc đang thiết lập một quy tắc mà ở đó chúng ta không thể thay đổi sau này. Mỗi ngày là một cơ hội lãng phí để khẳng định chủ quyền của chúng ta nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ", Gary Alejano tuyên bố với CNN.
Các hoạt động của tàu Trung Quốc quanh đảo Thị Tứ vốn đã được báo chí Philippines đưa cách đây vài tháng kể từ khi Manila thực hiện việc tu bổ phi pháp các công trình trên đảo cuối năm ngoái. Vấn đề càng được hâm nóng trong hơn 1 tháng gần đây sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa có chuyến ghé thăm Philippines hồi cuối tháng 2.
Trước các diễn biến gần đây ở đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 14.3 một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.
"Việt Nam cho rằng, trong khi cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp tại Biển Đông và để tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), các bên liên quan cần tuyệt đối tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), đặc biệt là quy định về việc kiềm chế, không có hành vi gây phức tạp và gia tăng tranh chấp, kể cả không có hành vi chiếm đóng những cấu trúc chưa có người ở tại Biển Đông“, bà Hằng nhấn mạnh, và kêu gọi các bên hành xử có trách nhiệm, có đóng góp thiết thực, tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực.
Anh Tú