Tàu Trung Quốc tập trung đông quanh đảo Thị Tứ vì lo ngại Mỹ
Chuyển động - Ngày đăng : 06:59, 15/04/2019
Quan hệ Philippines - Trung Quốc trở nên căng thẳng sau khi có đến hơn 200 tàu Trung Quốc hiện diện quanh Thị Tứ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3.
Căng thẳng xuất hiện trùng hợp vào thời điểm Philippines tổ chức tập trận thường niên với Mỹ. Sự kiện mang tên Balikatan, diễn ra gần bãi cạn Scarborough - Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012, đặc biệt tàu đổ bộ USS Wasp lần đầu tiên góp mặt.
Thị Tứ nằm trong Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện bị Philippines chiếm đóng trái phép. Chính quyền Manila vào tháng 12 năm ngoái thông báo xây một đoạn đường bờ biển mới, doanh trại quân đội và sửa chữa đường băng trên đảo.
Giáo sư Hứa Lợi Bình đến từ Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS) đánh giá hoàn toàn có khả năng quân đội Mỹ sử dụng các cơ sở hạ tầng này.
“Tàu Mỹ có thể hoạt động gần đảo, máy bay Mỹ có thể cất/ hạ cánh từ đường băng trên đó. Điều này đe dọa trực tiếp đến số tiền đồn mà Trung Quốc thiết lập (phi pháp) ở Trường Sa”, giáo sư Hứa phân tích. Ông cho rằng động thái cho hơn 200 tàu bao vây Thị Tứ là lời cảnh báo cho Philippines, rằng hoạt động xây dựng là thách thức lớn với cường quốc châu Á.
Chuyên gia Trương Minh Lượng thuộc đại học Tế Nam có quan điểm tương tự, đồng thời bổ sung thêm kịch bản Philippines cho Mỹ dùng cơ sở quân sự ở Thị Tứ để giám sát Trung Quốc. Lợi thế quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ vì vậy mà suy giảm.
Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) cùng nhà phân tích an ninh Richard Javad Heydarian từ Đại học De La Salle (Philippines) xác định hơn 200 tàu Trung Quốc xuất hiện quanh Thị Tứ bao gồm tàu hải quân, tàu cảnh sát biển và tàu cá nghi là dân quân.
Giáo sư Châu Phong thuộc đại học Nam Kinh nhận định một trong những nguyên nhân gây ra căng thẳng Thị Tứ chính là việc cường quốc châu Á ngăn tàu cá Philippines tiếp cận Scarborough.
“Sự hiện diện ồ ạt của 275 tàu Trung Quốc khiến giới chức Manila lo lắng những gì xảy ra ở Scarborough tái diễn. Rõ ràng vấn đề lãnh thổ cũng như quyền lợi kinh tế trên Biển Đông chưa có giải pháp”, giáo sư Châu cho biết.
Giáo sư Thẩm Đinh Lập từ đại học Phúc Đán lưu ý phía Philippines lần này phản ứng rất quyết liệt – dấu hiệu cho thấy họ quay lại cách tiếp cận cứng rắn dưới thời Tổng thống Benigno Aquino. Ông cho rằng Trung Quốc kiểm soát căng thẳng thông qua tham vấn với Philippines và khi ấy thì Mỹ mới không có cơ hội “chen chân vào”.
Cẩm Bình (theo SCMP)