Hải quân Trung Quốc xét lại kế hoạch chi tiêu vì chiến tranh thương mại

Chuyển động - Ngày đăng : 15:45, 27/05/2019

Hàng loạt thách thức về kinh tế, kỹ thuật, chiến lược ở trong và ngoài nước buộc Trung Quốc phải tái đánh giá kế hoạch đóng tàu cho hải quân.
Tham vọng phát triển hải quân của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn - Ảnh: SCMP

Dù vẫn xem mục tiêu hiện đại hóa quân đội là mục tiêu hàng đầu nhưng giới sĩ quan cấp cao Trung Quốc hiểu rõ chi phí khổng lồ phải bỏ ra để đóng thế hệ tàu quân sự mới (tàu sân bay cùng tàu khu trục).

Trái với tuyên bố đủ sức chịu đựng tác động chiến tranh thương mại của chính quyền Bắc Kinh, nhiều nhà quan sát cho biết lực lượng hải quân đang chịu áp lực điều chỉnh kế hoạch chi tiêu vì triển vọng kinh tế bất định, cộng thêm việc công tác phát triển kỹ thuật lẫn nhân sự cần thiết chậm hơn dự kiến.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời một nguồn tin quân sự: “Căng thẳng với Mỹ leo thang có tác dụng nhắc nhở những quan chức lãnh đạo phía Trung Quốc rằng họ cần thận trọng trong chuyện chi tiêu đóng tàu chiến mới”.

Lấy ví dụ tàu sân bay. Tổng chi phí bao gồm khoản tiền chi cho đóng thân tàu, giá hệ thống vũ khí, hệ thống điều khiển và liên lạc công nghệ cao, chiến đấu cơ triển khai lên đến khoảng 50 tỉ nhân dân tệ (7,2 tỉ USD).

Một dự án khác cần xét lại là kế hoạch đóng khu trục hạm Type 055 lượng choán nước hơn 12.000 tấn. Giá của mỗi chiếc loại này vào khoảng 6 tỉ tệ - gấp đôi tàu Type 052D chủ lực hiện tại.

Không chỉ đóng tàu mà vận hành một nhóm tác chiến tàu sân bay (1 tàu sân bay, ít nhất 2 khu trục hạm, 2 tàu chiến cỡ nhỏ, vài tàu ngầm, 1 tàu tiếp liệu) cũng rất tốn kém. Sau đó đến chi phí bảo trì.

Tính toàn bộ thiết bị hiện đại cần trang bị, chi phí đóng 1 tàu sân bay lên đến 50 tỉ nhân dân tệ (7,2 tỉ USD) - Ảnh: Reuters

Bất chấp lượng chi phí khổng lồ, chuyên gia hải quân Lý Kiệt cho biết Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu đến năm 2030 thiết lập 4 nhóm tác chiến tàu sân bay trong đó 3 nhóm luôn sẵn sàng tác chiến.

Một nguồn tin hải quân tiết lộ quốc gia châu Á này còn phát triển máy bay mới cho tàu đổ bộ Type 075 (mang được trực thăng) cùng tàu sân bay Type 002 đang đóng. Ước muốn sở hữu một loại chiến đấu cơ cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng như tiêm kích F-35B Mỹ của họ khó thành hiện thực vì chưa làm chủ công nghệ.

Theo nguồn tin hải quân, do phải mất 10 - 20 năm mới phát triển thành công thế hiện chiến đấu cơ tàu sân bay thế hệ mới nên Trung Quốc phải tiếp tục dùng J-15, mặc dù loại tiêm kích này gặp không ít vấn đề kỹ thuật.

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) xác định hải quân Trung Quốc tính đến năm ngoái có tổng cộng hơn 300 tàu chiến. Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSSC) trong vòng 7 năm qua đóng mới 84 tàu.

Chuyên gia quân sự Chu Thần Minh đánh giá Trung Quốc tuy số lượng tàu chiến tăng mạnh vẫn tụt hậu so với Mỹ về công nghệ phần cứng lẫn phần mềm.

“Một hạm đội hoạt động ở vùng biển khơi đòi hỏi mạng lưới hỗ trợ - hậu cần toàn diện, quân đội Trung Quốc không có. Họ đủ sức đóng tàu chiến lượng choán nước lớn, nhưng phần lớn chúng bị vũ khí cùng nhiều thiết bị khác chiếm dụng nên chẳng còn mấy không gian đặt nhiên liệu, qua đó làm giảm tầm hoạt động lẫn thời gian trên biển”, ông Chu phân tích.

Nhà bình luận Tống Trung Bình cũng thừa nhận hải quân Mỹ có lịch sử phát triển hơn một thế kỷ, tàu chiến trải qua nhiều đợt phát triển nên Trung Quốc chưa thể cạnh tranh nổi. Một điều mà Trung Quốc còn phải học hỏi là khả năng tàu chiến Mỹ hoạt động theo đội hình tác chiến rất thành thạo.

Theo nhà nghiên cứu Adam Ni thuộc Đại học Macquarie (Úc), quân đội Trung Quốc ngoài tìm kiếm nguồn tiền cho hải quân thì còn phải tái đánh giá các mục tiêu chiến lược dài hạn.

Tổ chức nghiên cứu Jamestown Foundation đầu năm nay cho biết Trung Quốc dự định tăng số lữ đoàn thủy quân lục chiến từ 2 lên 8 (tổng cộng khoảng 40.000 người). Đến nay họ đã thiết lập được 4 lữ đoàn mới bằng cách chuyển binh sĩ từ những đơn vị đổ bộ sang.

Cựu tướng Đài Loan Lữ Cầu Thúc nhận định làm vậy chẳng thể giúp Trung Quốc đuổi kịp Mỹ, thay vào đó họ cần cải thiện năng lực chiến đấu trên bộ, trên biển lẫn trên không.

Cẩm Bình (theo SCMP)