Những thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan của Mỹ trong thập kỷ qua
Chuyển động - Ngày đăng : 06:29, 08/06/2019
Theo các nguồn thạo tin thì thương vụ bao gồm 108 xe tăng M1A2, 409 quả Javelin và 1.240 quả TOW (đều là tên lửa chống tăng), 250 tên lửa phòng không Stinger.
Trung Quốc luôn xem Đài Loan như phần lãnh thổ không thể tách rời. Mỹ dù không lập quan hệ ngoại giao chính thức nhưng luôn hậu thuẫn mạnh mẽ và cung cấp vũ khí cho hòn đảo tự trị, bất chấp phản đối liên tục từ giới chức Bắc Kinh.
Gói vũ khí hơn 2 tỉ USD nêu trên chỉ là một trong số nhiều thương vụ bán khí tài của chính quyền Washington trong 10 năm qua - từ trực thăng tấn công, chiến đấu cơ cho đến tàu chiến, tên lửa phòng không.
Năm 2008, Mỹ quyết định bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá 6,5 tỉ USD gồm 30 máy bay trực thăng Apache và 330 tên lửa Patriot. Trung Quốc phản ứng bằng cách đình chỉ trao đổi quân sự với Mỹ.
Năm 2010, chính quyền Tổng thống Barack Obama công bố gói vũ khí 6,4 tỉ USD (trực thăng Black Hawk, tên lửa, tàu săn mìn). Đây là lần đầu tiên Trung Quốc dọa cắt đứt mọi trao đổi quân sự cộng thêm áp đặt trừng phạt nhằm vào công ty nào tham gia cung cấp vũ khí cho Đài Loan.
Giới chức Washington vào năm 2011 thông báo thương vụ trị giá 5,85 tỉ USD - trong đó có dịch vụ giúp hòn đảo tự trị nâng cấp 145 chiến đấu cơ.
Đến năm 2015 là gói khí tài 1,83 tỉ USD bao gồm 2 tàu khu trục, tên lửa chống tăng, xe tấn công đổ bộ cùng một số thiết bị khác. Chính quyền Bắc Kinh lặp lại lời đe dọa trừng phạt các công ty sản xuất vũ khí.
Năm 2017, Mỹ quyết định bán cho Đài Loan số vũ khí trị giá 1,42 tỉ USD - thương vụ đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trung Quốc chỉ trích quyết định này đi ngược lại đồng thuận đạt được giữa hai nhà lãnh đạo khi gặp nhau tại Florida tháng 4 năm đó.
Năm 2018, Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn thương vụ bán linh kiện của F-16 cùng vài máy bay quân sự khác (330 triệu USD).
Tháng 4.2019, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục chấp thuận cung cấp chương trình huấn luyện phi công, dịch vụ bảo trì và hỗ trợ hậu cần cho F-16 Đài Loan, với chi phí khoảng 500 triệu USD.
Cẩm Bình (theo Reuters)