Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Bolton chỉ trích Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 11:21, 20/07/2019
Trong tweet lúc 10 giờ sáng nay (giờ VN), ông viết: "Tôn trọng chủ quyền và tự do hàng hải là yếu tố then chốt của tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ cùng chia sẻ với các thành viên của ASEAN. Những hành vi gây hấn của Trung Quốc đối với các quốc gia láng giềng là phản tác dụng, và đe doạ hòa bình ổn định trong khu vực".
Trong thời gian qua, Trung Quốc có một loạt các hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác trên Biển Đông. Với Malaysia, theo SCMP, tàu Hải dương 35111 đã lởn vởn như muốn thăm dò xung quanh bãi cạn Luconia Breakers, một cụm rạn san hô ở cuối phía nam biển Đông, suốt từ ngày 10 đến 27.5, nơi có một lô dầu khí được Malaysia cấp phép cho công ty dầu khí Sarawak Shell. Khi Malaysia gửi hai tàu chở dầu và khí đốt đến khu vực này, tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã vây tròn chúng một cách khiêu khích, có lúc chỉ cách gần 80 mét. Mãi đến cuối tháng 5, Trung Quốc mới chịu rút tàu.
Với Philippines, dư luận nước này rất giận dữ trước việc tàu Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển gần Philippines và có hành vi xua đuổi ngư dân suốt thời gian đầu năm. Gần đây, căng thẳng Bắc Kinh - Manila được đẩy cao khi tàu Trung Quốc đâm chìm tàu ngư dân Philippines hồi 9.6 gần Bãi Cỏ Rong, rất may là các ngư dân gặp nạn được thuyền Việt Nam cứu thoát. Điểm sôi có vẻ đã xuất hiện khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 17.7 phát biểu trên truyền hình quốc gia: "Tôi đang kêu gọi Mỹ. Tôi đang cầu khẩn hiệp ước Mỹ - Philippines. Tôi muốn Mỹ triển khai toàn bộ Hạm đội 7 để đối đầu Trung Quốc. Tôi đang yêu cầu họ. Tôi sẽ tham gia cùng họ, tôi sẽ ngồi cùng với đô đốc Mỹ trên tàu chiến". Có thể thấy sau thời gian dài gắng thực hiện chính sách ngoại giao vuốt ve Bắc Kinh, quay lưng với Mỹ thì Manila đã phải xoay trục.
Với Việt Nam, Trung Quốc đã có hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông và bị Bộ Ngoại giao nước ta lên án. "Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông", bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong thông cáo hôm qua 19.7.
"Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này" - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.
Ngày 18.7, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương (INDOPACOM) Phil Davidson chỉ trích Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự trên Biển Đông và không hồi đáp lời kêu gọi thiết lập cơ chế liên lạc lúc khủng hoảng.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen, Đô đốc Davidson đánh giá dù hai nước hiện có đối thoại quân sự, nhưng một cơ chế liên lạc lúc khủng hoảng nhằm giảm nguy cơ tính toán sai lầm vẫn rất cần thiết. Đô đốc Davidson khẳng định: “Bấy lâu nay, Mỹ vẫn để ngỏ yêu cầu Trung Quốc mở đường dây liên lạc tránh khủng hoảng giữa Bộ Tư lệnh miền Nam Mỹ vốn chịu trách nhiệm xử lý vấn đề Biển Đông, với Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông Trung Quốc… nhưng họ chưa hồi đáp”.
Anh Tú