Tàu chiến Trung Quốc xâm nhập bất thường vào lãnh hải, Philippines phẫn nộ
Chuyển động - Ngày đăng : 07:43, 16/08/2019
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết, người Trung Quốc dường như đang chế nhạo người Philippines bằng cách triển khai tàu chiến đi qua lãnh hải Philippines kèm theo việc tắt Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) và không thông báo trước việc quá cảnh cho chính quyền Philippines.
Lorenzana nói rằng ông đã đưa ra việc tàu chiến tự tung tự tác như vậy với Đại sứ Trung Quốc Triệu Kiến Hoa ngay sau sự cố đầu tiên vào tháng 2 năm nay khi chúng tìm đường qua eo biển Sibutu. Ông Triệu đã hứa với Bộ trưởng Lorenzana rằng các sự cố là sai sót và sẽ được xem xét lại. Cụ thể, ông Triệu Kiến Hoa trước đó đã hứa với Bộ trưởng quốc phòng Philippines Lorenzana rằng họ sẽ phối hợp với các nhà chức trách Philippines khi các tàu chiến Trung Quốc sau này thực hiện hành trình bên trong vùng lãnh hải của Philippines. Lời cam kết này đưa ra trong lễ kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc được tổ chức tại một khách sạn Makati hồi hạ tuần tháng 4. Nhưng lời hứa gió bay và các sự cố tiếp tục lặp lại vào tháng 6 rồi tháng này.
Phát ngôn viên của Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP), tướng Edgard Arevalo nói rằng, ở cấp độ quân sự, hàng loạt các cuộc xâm nhập ở eo biển Sibutu, một lối đi tới Indonesia, có thể được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia vì Trung Quốc có thể tiến hành giám sát hàng hải và các hoạt động khác. Arevalo cho biết sự hiện diện của 4 tàu chiến Trung Quốc vào ngày 2.7 và một tàu khác vào ngày 4.8 có thể được coi là xâm phạm chủ quyền.
Danh tính các tàu chiến Trung Quốc liên tục xâm phạm lãnh hải Philippines
Không giống như các tàu dân sự mà Trung Quốc thường triển khai quanh Biển Đông, các tàu trên được xác định rõ ràng là tàu chiến vì chúng có tháp pháo và các tính năng quân sự, Bộ trưởng Lorenzana phân tích.
Trung tướng Cirilito Sobejana, Tư lệnh Bộ chỉ huy Tây Mindanao (Westmincom) có trụ sở tại thành phố Zamboanga, đã báo cáo sự hiện diện mới nhất của tàu chiến ở Tawi-Tawi vào chiều thứ Tư 14.8 sau khi chúng được phát hiện trong một cuộc giám sát hàng hải thường xuyên ở miền nam Philippines.
Ông Sobejana nói thêm rằng trong khi các tàu chiến Trung Quốc tỏ ra không thù địch khi bị các máy bay và tàu quân sự của Philippines phát hiện ra chúng, nhưng hành tung rất khả nghi vì những biểu hiện không phù hợp với các quy tắc quốc tế khi di chuyển vô hại trên vùng biển nước khác. Cụ thể, Sobejana chỉ ra rằng các tàu chiến đã dì chuyển ngoằn ngoèo chứ không đơn giản là đi thẳng như các tàu dân sự sẽ làm.
“Giống như khi bạn đi qua sân sau của ai đó, trước tiên bạn phải xin phép chủ đất. Và đó là yêu cầu mà chúng tôi yêu cầu họ - để tuân thủ các quy tắc ngoại giao trước khi họ đi qua. Nhưng vì họ đã không coi trọng điều này, nên chắc chắn đây là sự xâm lấn, hay nói cách khác trong một chừng mực nào đó là xâm lược trong vùng lãnh hải của chúng ta”, ông Edgard Arevalo nói. Ông Arevalo nói rằng quân đội không biết tại sao các tàu chiến lại đi vào vùng lãnh hải của Philippines.
Lorenzana nói rằng quân đội thiếu khả năng ngăn chặn những cuộc xâm lược lén lút như vậy, nhưng vấn đề có thể được đưa ra thông qua các kênh hòa bình song phương.
“Chúng tôi sẽ kêu gọi sự chú ý của họ”, phát ngôn viên Phủ tổng thống, Salvador Panelo, cam đoan với công chúng trong cuộc họp báo ngay sau đó. “Đại sứ Trung Quốc đã mời tôi ăn tối vào một trong những ngày tới. Có lẽ tôi sẽ đặt vấn đề này lên bàn ăn”.
Panelo cho biết ông sẽ hỏi ông Triệu Kiến Hoa rằng liệu chính phủ Bắc Kinh có biết về sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc ở vùng biển Philippines. Khi được hỏi liệu người Trung Quốc có thể tin cậy được hay không, thì ông Panelo không đưa ra câu trả lời trực tiếp và chỉ tuyên bố rằng Philippines luôn hành động theo luật pháp quốc tế.
“Thật giống như hỏi, "Chúng ta có thể tin tưởng bất cứ ai không?" Điều đó phụ thuộc... Đối với chúng ta, quan điểm của chúng ta rất rõ ràng: chúng ta tôn trọng UNCLOS (Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển) và (Tuyên bố về) Bộ quy tắc ứng xử”, Panelo trả lời khá lấp lửng
Panelo cho biết Philippines sẽ phản đối bất kỳ hành vi nào vi phạm UNCLOS. Tuy nhiên, ông không thể cung cấp thông tin mới nhất về hành động phản đối chính thức mà Philippines khởi xướng.
Dù vậy, ông Panelo cũng thừa nhận: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại với loại sự cố đó. Bởi vì nếu họ cứ luôn miệng nói rằng chúng ta là bạn bè, tôi không nghĩ rằng đây là một hành động của sự hữu nghị”. Ông nói thêm rằng việc tắt các hệ thống radar tự động của các tàu Trung Quốc có thể là một sự vi phạm luật của UNCLOS.
Quyền phát ngôn viên quốc phòng Cardozo Luna cho biết, Bộ Ngoại giao (DFA) phải thông báo cho các mối quan ngại về an ninh của chính phủ Philippines với Đại sứ quán Trung Quốc. “Nếu được chứng minh rằng người Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế hoặc Philippines, hoặc bất kỳ giao thức hàng hải nào, thì DFA có thể khởi xướng một cuộc phản kháng ngoại giao thích hợp”, ông Luna nói.
Trong khi đó, Tư lệnh Bộ chỉ huy Tây Mindanao, tướng Sobejana cho biết, lực lượng của ông được chỉ đạo tăng cường và tiếp tục tuần tra thường xuyên ở khu vực phía nam đất nước.
Ông Sobejana cũng yêu cầu tăng kinh phí cho hải quân để tăng cường tuần tra biên giới phía nam vì các mối đe dọa liên tục từ bọn khủng bố nước ngoài mà không nói rõ ai là khủng bố, nước ngoài là nước nào.
Anh Tú