Tổng thống Philippines sẽ đến Trung Quốc bàn về Biển Đông vào cuối tháng 8

Chuyển động - Ngày đăng : 15:21, 07/08/2019

Trước áp lực trong nước phải hành động cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Tập Cận Bình cuối tháng này để thảo luận phán quyết được Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) đưa ra hồi năm 2016.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, dù ông Duterte vẫn nhận được tỉ lệ ủng hộ trên 80%, nhiều cuộc thăm dò cho thấy người dân Philippines ít tin tưởng Trung Quốc và muốn chính phủ quyết liệt hơn trong phản đối những hành động bắt nạt trên biển.

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo cho biết hai nhà lãnh đạo Trung Quốc - Philippines dự kiến sẽ gặp nhau vào cuối tháng này để đàm phán về Biển Đông, điều đã được ông Duterte đề cập trước đó.

Ông Panelo nó rằng, ông đã hỏi Tổng thống Duterte rằng ý tưởng nào dẫn đến việc sẽ thảo luận lại với ông Tập về phán quyết này.

"Còn nhớ trước đây tôi đã nói sẽ có lúc tôi viện dẫn phán quyết của Tòa trọng tài thường trực vào một lúc nào đó hay không. Đã đến lúc rồi và đó là lý do tôi đến Trung Quốc", ông Panelo dẫn lại lời Tổng thống Duterte.

Phát ngôn viên Panelo tiết lộ ông Duterte cũng quan tâm đến việc thảo luận thêm với Trung Quốc về phương án cùng khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines theo tỷ lệ 60/40.

Cũng trong một bài phát biểu trước các doanh nhân người Philippines gốc Hoa vào hôm 6.8, chính Tổng thống Duterte xác nhận ông sẽ nêu vấn về Biển Đông với Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc dự kiến diễn ra sắp tới.

“Tôi sẽ đến Trung Quốc để nói chuyện. Không phải tôi đã đề cập đến điều này trước đó rồi sao? Tôi sẽ đến đó bởi một số vấn đề về biển cần được xử lý ngay lập tức. Nhưng tôi không muốn đối đầu với Trung Quốc”, hãng tin Rappler (của Philippines) dẫn lời phát biểu của ông Duterte.

Kế hoạch tới Trung Quốc được ông Duterte đưa ra sau khi nhiều quan chức quốc phòng và dư luận nước này chỉ trích lập trường mềm mỏng của ông khi đã không ép Bắc Kinh tuân thủ theo phán quyết năm 2016 của của Tòa trọng tài thường trực về Biển Đông, vốn tuyên bố vô hiệu hóa các yêu sách phi lý của Trung Quốc, dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò), mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra để khẳng định chủ quyền tại vùng biển chiến lược này.

Minh Hằng (theo Reuters, Rappler)