Philippines cho đóng dấu bản đồ Biển Đông lên hộ chiếu khách du lịch Trung Quốc

Chuyển động - Ngày đăng : 12:59, 07/08/2019

Tổng thống Rodrigo Duterte mới đây đã đồng ý việc đóng dấu bản đồ Philippines và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila ở Biển Đông lên các hộ chiếu du khách Trung Quốc.
Hộ chiếu Trung Quốc - Ảnh: Internet

Theo các tờ Rappler Inquirer của Philippines, quyết định này được đưa ra vào ngày 5.8, sau cuộc họp nội các tại phủ tổng thống nước này, chấm dứt chính sách đã được thực thi 7 năm qua để phản đối hộ chiếu có in đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Salvador Panelo hôm 6.8 cho biết Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã đề xuất việc đóng dấu visa Philippines lên hộ chiếu của công dân Trung Quốc muốn vào nước này thay cho việc đóng dấu "vào một mảnh giấy" như hiện nay.

“Tổng thống đã chấp nhận đề xuất này", người phát ngôn Panelo xác nhận và cho hay, phần đóng dấu được đóng lên các hộ chiếu Trung Quốc sẽ bao gồm hình vẽ bản đồ Philippines, thể hiện đầy đủ các tuyên bố và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.

Khi được hỏi liệu chính sách mới có phải nhắc nhở các du khách Trung Quốc rằng Philippines đang có tranh chấp trên với Trung Quốc trên Biển Đông, người phát ngôn của Tổng thống Philippines khẳng định "đúng rồi".

Được biết, vào 2012, chính quyền của cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã ban hành chính sách đóng visa lên đơn xin thị thực của người Trung Quốc, thay vì đóng dấu lên hộ chiếu có đường chín đoạn (đường lưỡi bò) mà Bắc Kinh tuyên bố một cách phi lý trên Biển Đông.

Trung Quốc từ lâu đã không ngừng đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa phi pháp cũng như đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt thủy sản tại Biển Đông bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực rằng Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý hoặc lịch sử nào cho "đường 9 đoạn" vốn được Trung Quốc đơn phương vẽ ra để khẳng định chủ quyền tại vùng biển chiến lược này.

Tuy nhiên, chính quyền Manila dưới thời ông Duterte thi hành chính sách đối ngoại xoay trục bằng cách thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với đối thủ của Mỹ là Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích kinh tế, đầu tư. Ông tìm đến nguồn viện trợ Trung Quốc cho chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng bất chấp tranh chấp Biển Đông chưa được giải quyết.

Hoàng Vũ (theo Rappler, Inquirer)