Anh - Pháp - Đức ra tuyên bố chung về Biển Đông, đề cập đích danh Trung Quốc

Chuyển động - Ngày đăng : 17:41, 30/08/2019

Bộ ngoại giao Anh vừa đăng Tuyên bố chung của E3 về tình hình Biển Đông (E3 tức 3 nước trụ cột của EU hiện tại: Anh, Pháp, Đức)

Tuyên bố ngày 29.8 viết:

“Chúng tôi lo ngại về tình hình Biển Đông có thể dẫn đến sự bất an và bất ổn trong khu vực.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia ven bờ Biển Đông thực hiện các bước và tính toán nhằm giảm căng thẳng và góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực, bao gồm cả chủ quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển của họ và nguyên tắc tự do cũng như các quyền hàng hải trong và trên Biển Đông.

Là các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Pháp, Đức và Vương quốc Anh nhấn mạnh mối quan tâm của mình đối với việc áp dụng phổ biến Công ước đã đặt ra khuôn khổ pháp lý toàn diện mà trong đó mọi hoạt động ở các đại dương và các vùng biển bao gồm cả ở Biển Đông phải được thực hiện và điều này tạo cơ sở cho sự hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải. Ba nước tái kêu gọi hãy chú ý đến Phán quyết Trọng tài được đưa ra theo UNCLOS vào ngày 12 tháng 7 năm 2016.

Hơn nữa, Pháp, Đức và Vương quốc Anh hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ quy tắc ứng xử dựa trên khuôn khổ pháp lý, hợp tác và hiệu quả phù hợp với UNCLOS ở Biển Đông và khuyến khích đàm phán sớm đi tới kết luận”.

Tuyên bố này cũng được Bộ ngoại giao Đức và Pháp đăng toàn văn trên trang web của mình.

Giống và khác so với bản tuyên bố của EU

Tuyên bố của 3 nước E3 được đưa ra chỉ một ngày sau khi EU đưa ra tuyên bố bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông. Tuyên bố của EU nêu cũng có các ý như của E3:

"Các hành động đơn phương trong những tuần qua ở Biển Đông đã dẫn đến căng thẳng gia tăng và suy thoái môi trường an ninh hàng hải, điều này thể hiện mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực.

Điều quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là phải tự kiềm chế, thực hiện các bước cụ thể để trở lại nguyên trạng, kiềm chế quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Các bên cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc phân xử để tạo thuận lợi cho việc giải quyết các khiếu nại tương ứng của họ, nếu thấy hữu ích.

EU sẽ tiếp tục hỗ trợ đầy đủ các quá trình do ASEAN khởi xướng trong khu vực, nhằm thúc đẩy hơn nữa trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các quy tắc, nhằm củng cố hợp tác đa phương, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn với các bên thứ ba. Chúng tôi đang mong chờ một kết luận nhanh chóng, một cách minh bạch, về các cuộc đàm phán về một "Quy tắc ứng xử" có hiệu lực, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý.

EU nhất quán với trật tự pháp lý trên biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải, cũng như tự do hàng hải và hàng không, vì lợi ích của tất cả các quốc gia".

Tuy nhiên, tuyên bố chung của EU lại không có chữ nào đề cập đến “con voi trong phòng khách” là Trung Quốc – nước gần đây đã liên tục có các hành vi đơn phương xâm phạm chủ quyền trên biển của các nước ven bờ Biển Đông, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, 3 nước đầu tàu EU lại phải ra thêm một tuyên bố chung mạnh mẽ hơn, đề cập đích danh Trung Quốc.

Nhưng chưa mạnh mẽ như tuyên bố của Bộ ngoại giao Mỹ

Cho đến giờ, thái độ của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn là mạnh mẽ và dứt khoát nhất đối với các hành động của Trung Quốc. Ngày 22.8, Bộ ngoại giao Mỹ ra tuyên bố: "Hoa Kỳ lo ngại sâu sắc rằng Trung Quốc đang tiếp tục can thiệp vào các hoạt động dầu khí có từ lâu đời của Việt Nam trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ). Điều này đặt ra câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Trung Quốc, gồm cả trong Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển.

Việc Trung Quốc tái bố trí một tàu khảo sát thuộc sở hữu của chính phủ, cùng với các tàu hộ tống vũ trang, vào vùng biển ngoài khơi Việt Nam gần Bãi Tư Chính vào ngày 13.8, là một sự leo thang của Bắc Kinh trong nỗ lực đe dọa các bên có chủ quyền khác khỏi việc phát triển tài nguyên ở Biển Đông.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các bước có chủ đích để can thiệp vào các hoạt động kinh tế lâu đời, đáng tin cậy của các nước tại ASEAN có chủ quyền, trong nỗ lực ép buộc họ từ chối hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với doanh nghiệp do nhà nước Trung Quốc sở hữu. Trong trường hợp ở bãi Tư Chính, Trung Quốc đang gây áp lực cho Việt Nam về việc ngưng hợp tác với một công ty năng lượng của Nga và các đối tác quốc tế khác.

Các hành động của Trung Quốc làm suy yếu hòa bình và an ninh khu vực, áp bức gây tổn thất kinh tế cho các quốc gia Đông Nam Á bằng cách ngăn chặn họ tiếp cận nguồn tài nguyên hydrocarbon ước tính 2,5 nghìn tỉ USD chưa được khai thác và chứng minh Trung Quốc coi thường quyền việc các quốc gia thực hiện các hoạt động kinh tế trong EEZ của họ, theo Công ước (của Liên Hiệp Quốc) về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc phê chuẩn năm 1996”.

Chỉ có điều, Mỹ không phải thành viên của UNCLOS nên phát biểu của Anh, Pháp, Đức vốn là các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) sẽ tạo thêm những giá trị ảnh hưởng và sức nặng với cộng đồng quốc tế trong bối cảnh hiện giờ.

Bộ ngoại giao Ấn Độ lên tiếng hôm 29.8:

"Biển Đông là một phần của cộng đồng toàn cầu. Do đó, Ấn Độ có mối quan tâm đến việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Ấn Độ kiên quyết ủng hộ tự do hàng hải và hàng không cũng như hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở, trong vùng biển quốc tế, theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Ấn Độ cũng tin rằng bất kỳ sự khác biệt nào cũng phải được giải quyết hòa bình trên cơ sở tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao, và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực"

Anh Tú