Trung Quốc lập căn cứ quân sự trên Biển Đông để hù dọa các nước trong khu vực
Chuyển động - Ngày đăng : 15:16, 14/12/2019
Đô đốc John Aquilino nhấn mạnh các hoạt động của Trung Quốc là xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông, nhằm mở rộng khả năng quân sự. Ngoài việc dàn thiết bị chặn sóng radar, dàn tên lửa phòng không và chống hạm trên các căn cứ quân sự, gần đây Trung Quốc còn cho máy bay ném bom cất-hạ cánh trên các đảo nhân tạo xây trái phép.
Ông Aquilino nói rõ ràng các cơ sở này “hoàn toàn có mục tiêu quân sự, nhằm phô trương sức mạnh quân sự, và trên hết là o ép, hù dọa các nước trong khu vực”.
Vị sĩ quan nói Trung Quốc tuyên bố chủ quyền Biển Đông phi lý vì quá xa bờ biển Trung Quốc, và tuyên bố này đã bị thách thức bởi các nước lân cận như Việt Nam, Philippines, Malaysia. Ông kêu gọi Trung Quốc vì quyền lợi của tất cả các nước, tuân thủ luật pháp quốc tế mà tất cả các nước trong khu vực đã công nhận, cũng như Trung Quốc nên tôn trọng việc các nước khác có thể thực hiện chủ quyền của riêng mình ở Biển Đông.
Mỹ đã thường xuyên mở các cuộc tuần tra không-hải quân để thực hiện quyền tự do hàng hải, cùng quyền đi qua vô hại. Đô đốc Aquilino nói vai trò của Mỹ “là bảo đảm an toàn cho các nước và khu vực”, hợp tác chặt chẽ với các đồng minh “cùng chia sẻ các giá trị”. Ông cũng tuyên bố: “Không nghi ngờ gì nữa về việc Mỹ khẳng định rằng chúng tôi đang tranh đua với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Chúng tôi có sự bất đồng rõ rệt giữa các hệ tư tưởng. Mỹ sẽ hợp tác ở bất cứ nơi nào mà chúng tôi thể, và chúng tôi cũng sẽ cạnh tranh ở nơi chúng tôi phải làm thế”.
Theo hãng tin AP, Trung Quốc đã chỉ trích điều họ gọi là Mỹ can thiệp vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời nói Trung Quốc có chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông dựa trên những “cơ sở lịch sử có từ ngàn xưa”.
Tòa án trọng tài thường trực (PCA) ngày 12.7.2016 đã có phán quyết, tuyên Trung Quốc không hề có “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông, và PCA bác bỏ “bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Bắc Kinh tự vẽ để giành lấy hầu như toàn bộ Biển Đông, gồm các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của những quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei (4/10 nước thành viên Hiệp hội các nước Đông Nam Á-ASEAN). Nhưng Trung Quốc đã ngang ngược không tôn trọng phán quyết này.
Mỹ Trinh (theo AP)