Lầu Năm Góc dự trữ đất hiếm chế tạo tên lửa, chiến đấu cơ
Chuyển động - Ngày đăng : 10:11, 22/12/2019
Lầu Năm Góc muốn tìm đối tác đủ sức trữ NdFeB trong 6 tháng và bảo quản tối thiểu 30 tháng, thay vì cung cấp hỗ trợ tài chính cho ngành sản xuất nội địa - một bước đi bị giới phân tích đánh giá là thiển cận. Ông Peter Afiuny thuộc công ty đất hiếm Urban Mining (Texas) đánh giá: “Động thái này thật bất ngờ. Chúng tôi hy vọng họ làm điều gì đó thúc đẩy năng lực sản xuất trong nước.
Hai quốc gia sản xuất NdFeB hàng đầu thế giới là Trung Quốc với Nhật Bản. Không có đơn vị Mỹ nào sản xuất, mặc dù người phát hiện ra loại đất hiếm vào những năm 1980 là nhà khoa học làm việc cho hải quân Mỹ.
Tuần trước Reuters từng tiết lộ Lầu Năm Góc đang tài trợ xây dựng cơ sở điều chế đất hiếm. Nhưng sau khi được điều chế ra, đất hiếm phải được chuyển thành dạng nam châm nếu không chúng chẳng có giá trị ứng dụng gì nhiều.
Về vấn đề trên, Lầu Năm Góc tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thị trường và thực hiện thêm biện pháp cần thiết nhằm đảo bảo chuỗi cung ứng và đảm bảo nguồn cung”.
Tổng thống Donald Trump năm nay ra lệnh quân đội Mỹ cải thiện chuỗi cung ứng nguyên vật liệu khó kiếm. Ông cảnh báo phụ thuộc vào nước khác có nguy cơ gây hại đến năng lực phòng thủ quốc gia.
Lầu Năm Góc dự tính chi 10 triệu USD cho chương trình, mỗi đơn vị dự trữ nhận tối đa 3 triệu USD.
Do nắm quyền sở hữu công nghệ điều chế NdFeB dạng nam châm, Hitachi Metals có khả năng thu lợi từ chương trình của Lầu Năm Góc. Công ty Nhật cấp phép công nghệ cho một số nhà sản xuất ở Trung Quốc và quốc gia khác, nhưng không có đơn vị Mỹ.
Theo Reuters, chương trình của Lầu Năm Góc cho thấy trong thị trường nội địa không có nguồn đất hiếm thích hợp để lập nên kho dự trữ, buộc họ sử dụng nhà cung cấp nước ngoài. Tuy nhiên mọi chuyện trở nên phức tạp khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn lệnh cấm dùng đất hiếm xuất xứ Trung Quốc, Nga, CHDCND Triều Tiên.
Cẩm Bình (theo Reuters)