Philippines ‘dễ bị tổn thương’ ở Biển Đông nếu không có sự hỗ trợ của Mỹ

Chuyển động - Ngày đăng : 07:01, 07/02/2020

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. hôm 6.2 đã cảnh báo rằng việc Tổng thống Rodrigo Duterte từ bỏ một thỏa thuận an ninh với Mỹ sẽ làm suy yếu an ninh của đất nước và thúc đẩy sự xâm lâm lấn ở Biển Đông vốn đang tranh chấp.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. - Ảnh: Internet

Tổng thống Rodrigo Duterte tháng trước tuyên bố sẽ hủy Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ và sẽ cấm các quan chức nội các Philippines đến Mỹ nếu trong vòng 1 tháng, Washington không khôi phục thị thực cho đồng minh chính trị của ông, thượng nghị sĩ Philippines Bato dela Rosa.

Trước đó, ông Dela Rosa cho biết đại sứ quán Mỹ ở Philippines không giải thích lý do vì sao thị thực của ông bị hủy. Tuy nhiên, ông tin rằng nguyên nhân là vì các cáo buộc giết người không xét xử trong hơn 2 năm ông làm cảnh sát trưởng trong chiến dịch truy quét ma túy của Tổng thống Duterte hồi năm 2016.

Phát biểu với giới phóng viên, Tổng thống Duterte khẳng định quyết định hủy VFA không mang tính bất chợt hay thất thường. Ông còn nhấn mạnh ông làm việc này không chỉ vì thượng nghị sĩ Dela Rosa mà vì mọi công dân Philippines, đặc biệt là quan chức chính phủ muốn đến Mỹ trong các chuyến thăm chính thức.

Trong một phiên họp Thượng viện được phát sóng trên truyền hình, ông Locsin đã liệt kê những gì ông mô tả là lợi ích quan trọng về an ninh, thương mại và kinh tế mà hiệp định VFA cung cấp.

“Mỹ là một đồng minh lâu năm, một đối tác thương mại lớn và là nhà cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho Philippines. Trong khi Philippines có quyền chấm dứt VFA bất cứ lúc nào, thì việc tiếp tục thỏa thuận được coi là mang lại nhiều lợi ích cho Philippines”, Ngoại trưởng Locsin cho hay.

Được biết, Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA), có hiệu lực vào năm 1999, quy định địa vị pháp lý cho hàng nghìn lính Mỹ được luân chuyển trong Philippines để tập trận quân sự và các hoạt động hỗ trợ nhân đạo. Một hiệp ước quốc phòng mở rộng sau đó được Washington và Manila ký kết vào năm 2014 có tên gọi “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường”, cho phép các lực lượng Mỹ đồn trú lâu dài cũng như xây dựng và duy trì doanh trại và kho chứa vũ khí trong 5 căn cứ quân sự được chỉ định của Philippines.

“Việc chấm dứt VFA sẽ ảnh hưởng đến hơn 300 khóa huấn luyện chung và các hoạt động khác trong năm nay với quân đội Mỹ. Cơ quan quân sự và cơ quan thực thi pháp luật Philippines cần tăng cường khả năng chống lại các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia", ông Locsin nói.

Theo nhà Ngoại giao Philippines, Mỹ đã viện trợ hơn 550 triệu USD để hỗ trợ an ninh cho Philippines từ năm 2016 đến 2019. Việc bỏ liên minh an ninh với Washington, cũng có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.

“Các lực lượng Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo, đào tạo và viện trợ cho phép Philippines đối phó với nạn buôn người, tấn công mạng, ma túy và khủng bố. Sự hiện diện của quân đội Mỹ cũng đóng vai trò ngăn chặn các hành động gây hấn ở Biển Đông – vùng biển vốn đang có nhiều tranh chấp với Trung Quốc và một số quốc gia khác”, ông Locsin cho biết.

Năm ngoái Philippines đã nhiều lần gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc xâm phạm vào các vùng biển mà quốc gia Đông Nam Á này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Trung Quốc từ lâu đã không ngừng đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa phi pháp, xây dựng các đường băng, trạm radar, triển khai tên lửa, pháo và các hệ thống vũ khí, cũng như đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt thủy sản tại Biển Đông bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực rằng Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý hoặc lịch sử nào cho "đường 9 đoạn" vốn được Trung Quốc đơn phương vẽ ra để khẳng định chủ quyền tại vùng biển chiến lược này.

Hoàng Vũ (theo SCMP)