Trung Quốc bị chỉ trích vì cho phép sử dụng mật gấu để điều trị COVID-19

Chuyển động - Ngày đăng : 06:05, 03/04/2020

Các nhà khoa học đều chỉ ra rằng việc buôn bán động vật hoang dã ở Trung Quốc rất có thể là nguyên nhân gây ra đại dịch COVID-19 nhưng Ủy ban Y tế Trung Quốc (NHC) lại cho phép dùng mật gấu để điều trị bệnh. Điều này đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ tổ chức bảo vệ động vật hoang dã và làm dấy lên lo ngại rằng động thái này có thể làm suy yếu các nỗ lực ngăn chặn buôn bán động vật bất hợp pháp.
Công nhân Trung Quốc thu thập mật từ một con gấu bị nhốt tại một trang trại ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc - Ảnh: AFP

NHC hồi đầu tháng 3 đã ban hành chỉ thị, trong đó cho phép sử dụng Tan Re Qing (Đàm Nhiệt Thanh), một loại thuốc tiêm có chứa mật gấu, sừng dê và ba loại thảo dược khác, để điều trị cho các trường hợp nhiễm coronavirus “nghiêm trọng”.

Theo AFP, Tan Re Qing là một trong 6 thuốc y học cổ truyền của Trung Quốc được phê chuẩn trong chỉ thị về điều trị coronavirus của NHC mà được đưa ra sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn quảng bá y học cổ truyền, gọi đó là "kho báu của nền văn minh Trung Quốc" và rằng nên cần được coi trọng tương tự như những phương pháp điều trị khác.

Thành phần hoạt chất trong mật gấu, axít ursodeoxycholic thường được dùng để giúp làm tan sỏi mật và điều trị bệnh gan nhưng vẫn chưa được khoa học chứng minh là hiệu quả trong điều trị COVID-19.

Bác sĩ Clifford Steer, giáo sư tại Đại học Minnesota (Mỹ), đã nghiên cứu về lợi ích y dược của axít ursodeoxycho. Ông không thấy có bằng chứng nào rằng mật gấu là phương thuốc hữu hiệu trị coronavius. Ông Steer cho rằng, axít ursodeoxycholic chỉ có khả năng giảm bớt các triệu chứng của COVID-19 nhờ các tính năng chống viêm và khả năng ổn định đáp ứng miễn dịch.

Trung Quốc hiện đã sử dụng kết hợp y học phương Tây và y học cổ truyền trong cuộc chiến chống lại coronavirus, làm chết hơn 3.300 người và lây nhiễm cho hơn 82.000 người ở đại lục.

Tuy nhiên những hành động này đã vấp phải chỉ trích của các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã bởi theo họ nguồn gốc của coronavirus chủng mới gây bệnh dịch viêm phổi cấp có thể liên quan đến hoạt động buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.

"Chúng ta không nên dựa vào các sản phẩm như mật gấu làm giải pháp chống lại một loại virus chết người có nguồn gốc lại từ chính động vật hoang dã. Khuyến khích sử dụng mật gấu có nguy cơ làm tăng nhu cầu, không chỉ đe dọa gấu nuôi mà cả những con trong tự nhiên vốn là loài đang bị đe dọa tuyệt chủng ở châu Á và trên thế giới", người phát ngôn của Tổ chức bảo vệ Động vật Châu Á, ông Brian Daly nói với AFP.

Trong khi đó, Nhà vận động động vật hoang dã thuộc Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA) Aron White cho biết: “Trung Quốc đã đưa ra thông điệp mâu thuẫn nhau khi hạn chế ăn động vật hoang dã nhưng lại đồng thời quảng bá các loại thuốc có chứa các bộ phận động vật hoang dã. Việc tiếp tục sử dụng động vật hoang dã bị đe dọa trong y học là vô trách nhiệm”.

Theo ông White, ngay cả khi các sản phẩm động vật hoang dã như mật gấu và xương hổ có nguồn gốc từ động vật nuôi nhốt thì vẫn không làm giảm áp lực đối với quần thể hoang dã, đặc biệt là người tiêu dùng luôn ưa chuộng các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên hơn. Các thị trường kiểu này đang hợp pháp hóa và duy trì nhu cầu đối với động vật hoang dã nguy cấp.

Các nhà bảo tồn từ lâu đã lên án Trung Quốc dung túng cho hoạt động buôn bán động vật hoang dã để làm thực phẩm bồi bổ hoặc làm thuốc y học cổ truyền dù chưa được khoa học hiện đại chứng minh tính hiệu quả.

Người phát ngôn của Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, bà Kirsty Warren, cho biết có khoảng 20.000 con gấu đang bị nhốt trong những chiếc lồng nhỏ, sống trong điều kiện tàn khốc khắp Trung Quốc để phục vụ nhu cầu từ các nhà cung cấp thuốc y học cổ truyền. "Chúng tôi ước tính toàn bộ giá trị của thị trường mật gấu ở Trung Quốc là hơn 1 tỉ USD", bà Warren nói thêm.

Hoàng Vũ (theo AFP)