Người Anh đốt cột phát sóng 5G vì nghi phát tán COVID-19

Chuyển động - Ngày đăng : 20:30, 05/04/2020

Ít nhất 3 cột phát sóng 5G ở Anh vừa bị đốt cháy vì có tin rằng nó là nguồn phát tán COVID-19.
Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh các trụ phát sóng 5G phát tán COVID-19 - Ảnh: Internet

Vào ngày 3.4, video về một trạm phát sóng 5G cao 20 m tại Birmingham, Anh bị đốt cháy đã được chia sẻ lên các nhóm phản đối 5G trên nhiều mạng xã hội. Facebook là nền tảng đầu tiên xóa những video này, sau đó nhiều mạng xã hội khác cũng xóa bỏ video.

Theo BBC, đã có 3 cột phát sóng 5G tại Birmingham, Liverpool và Melling ở vùng Merseyside bị đốt trong tuần trước. Cảnh sát Anh xác nhận vụ việc và đang tiến hành điều tra nguyên nhân, thủ phạm.

Nhưng The Verge cho rằng, nguồn cơn tạo ra những cuộc tấn công trạm phát sóng viễn thông nằm ở tin giả nói mạng 5G là nguyên nhân phát tán COVID-19, tạo ra dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới.

Trên một số nhóm mạng xã hội của Facebook và Nextdoor ở Anh, hàng nghìn người tin vào thuyết âm mưu xoay quanh việc COVID-19 có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), một trong những nơi vừa triển khai dịch vụ mạng 5G sớm trên thế giới. Sau đó, loại virus này lây lan và tấn công tới các thành phố, quốc gia đông dân khác cũng sử dụng mạng 5G. Tin giả này đã kích động nhiều người Anh đốt phá các trạm phát sóng 5G, cho rằng chúng là nguồn phát dịch bệnh và làm chết người

Đã có 3 trụ phát sóng 5G tại Anh bị thiêu rụi - Ảnh: Internet

Tình trạng đốt phá trạm phát sóng 5G khiến Trưởng văn phòng nội các Anh, Michael Gove, phải lên tiếng trên truyền thông, khẳng định không có bất kỳ bằng chứng khoa học nào cho thấy sự liên quan giữa sự phát tán COVID-19 và mạng 5G. Hành động phá hoại trên là cực kỳ nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc ảnh hưởng của sóng 5G tới sức khỏe cũng không chính xác.

Stephen Powis, giám đốc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cho biết: “Hành động phá hoại hạ tầng này sẽ phải dừng ngay lập tức, đây là hành động thiếu sáng suốt”.

Anh là một trong những nước mà trào lưu phản đối 5G rất mạnh. Các video thuyết âm mưu, cố gắng chứng minh công nghệ này gây hại tới sức khỏe với hàng triệu lượt xem khiến nhiều người tin tưởng và phản đối theo.

Theo BuzzFeed, nhiều kỹ sư làm việc tại các nhà mạng đã bị những nhóm phản đối 5G quấy nhiễu khi đang sửa hoặc lắp đặt cáp quang, vốn không liên quan đến 5G.

Trước khi làn sóng đốt phá trạm 5G xuất hiện tại Anh, một chuyên gia cơ sở hạ tầng mạng di động ở Anh, ông Peter Clarke đã cảnh báo với Facebook rằng, có một nhóm trên mạng xã hội này đang khuyến khích người dân đốt trạm phát sóng. Tuy nhiên, Facebook đã không gỡ bỏ nhóm này, chỉ đến khi sự chú ý gia tăng, nhóm này mới bị xóa. Nhưng điều đó là quá muộn, hàng nghìn người đã tiếp nhận thông tin sai lệch này và sẽ rất khó để thuyết phục họ hiểu đúng vấn đề.

Không chỉ ở Anh, mà nhiều quốc gia khác trên thế giới trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt với nạn tin giả tràn lan trên các trang mạng xã hội, cung cấp các thông tin sai sự thật gây hoang mang trong cộng đồng.

Điều này đã tạo nên một sức ép không nhỏ đến các cơ quan quản lý khi vừa phải bận rộn đương đầu với việc kiểm soát dịch bệnh, chữa trị cho các bệnh nhân lại phải đồng thời “chiến đấu” với những tin giả tràn lan trên internet, mạng xã hội.

Đan Thuỳ