Tàu chiến Mỹ lại đi qua eo biển Đài Loan thách thức Trung Quốc

Chuyển động - Ngày đăng : 15:39, 11/04/2020

Một tàu khu trục của Mỹ đã đi qua eo biển Đài Loan vào thời điểm Trung Quốc đang tổ chức tập trận ở khu vực gần hòn đảo, động thái diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh và Đài Bắc đang bị cuốn vào cuộc cãi vã liên quan đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tàu khu trục USS Barry của Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ

Theo Reuters, tàu khu trục mang tên lửa điều khiển USS Barry, lớp Arleigh Burke của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan vào sáng 10.4.

"Tàu Barry được triển khai tới vùng hoạt động của Hạm đội 7 để hỗ trợ an ninh và ổn định trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", hải quân Mỹ thông báo trong một tuyên bố trên mạng xã hội Facebook hôm 11.4.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết lực lượng vũ trang của hòn đảo đã theo dõi khi con tàu đi về phía nam và mô tả hoạt động của chiến hạm Mỹ là “nhiệm vụ thường lệ”.

Trong năm nay, quân đội Mỹ đã tăng cường các hoạt động tự do hàng hải qua eo biển Đài Loan, kéo theo sự phản đối dữ dội từ Trung Quốc. Chưa đầy một tháng trước, hải quân Mỹ cũng triển khai tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Các động thái của Mỹ đã khiến Trung Quốc nhiều lần nói rằng Mỹ đang chơi trò chơi nguy hiểm khi hỗ trợ cho đảo Đài Loan.

Trung Quốc vốn từ lâu luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ cần thống nhất và không ngừng gây áp lực đối với hòn đảo này, kể cả bằng vũ lực. Bắc Kinh đã nhiều lần triển khai máy bay, tàu chiến xung quanh đảo trong các cuộc tập trận vài năm qua và tìm cách cô lập Đài Loan, đồng thời gia tăng sức ép nhằm khiến hòn đảo tự trị này mất đi nhiều đồng minh ngoại giao.

Bất chấp đại dịch COVID-19 đang hoành hành, Đài Loan cho biết Trung Quốc vẫn tiếp tục gây áp lực quân sự. Đài Loan hôm 3.4 và 10.4 cho biết máy bay ném bom H-6 và máy bay chiến đấu J-11 của Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tập trận trên vùng biển phía tây nam.

Đài Loan và Trung Quốc hiện đang bị cuốn vào tranh cãi vã liên quan đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khi hòn đảo không thể trở thành thành viên của WHO vì Bắc Kinh phản đối.

Trong một cuộc họp báo hôm 8.4 tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus Tedros cho biết đã trở thành mục tiêu tấn công, bao gồm những lời lẽ mang tính phân biệt chủng tộc, từ khi dịch bệnh xảy ra. Ông Tedros đã chỉ đích danh Đài Loan "phát động cuộc tấn công này" trong 3 tháng qua. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan sau đó lên tiếng khẳng định những lời lẽ của người đứng đầu WHO là "vô căn cứ", bày tỏ sự thất vọng và phản đối mạnh mẽ, đồng thời yêu cầu ông phải xin lỗi.

Cùng ngày, Văn phòng sự vụ Đài Loan và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng “lên án mạnh mẽ” đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP), đảng cầm quyền Đài Loan vì đang cố gắng sử dụng dịch bệnh cho mục đích chính trị hóa, tìm kiếm sự độc lập, tấn công vào WHO, liên kết với mạng xã hội để truyền bá những bình luận ​​phân biệt chủng tộc một cách bừa bãi.

Được biết, do sự gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc đại lục cùng sự trao đổi thường xuyên của người dân hai bờ eo biển, Đài Loan đã được dự đoán là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Nhưng dựa vào phản ứng nhanh trong việc xử lý virus cùng sự minh bạch trong việc thông báo cho công chúng về tình hình, truy dấu tiếp xúc của người nhiễm hiệu quả và khuyến cáo công chúng sử dụng khẩu trang ở những nơi công cộng, Đài Loan được coi là đã kiểm soát được đại dịch chết người này.

Thành công ban đầu của Đài Loan đã giành được sự công nhận từ ít nhất 35 quốc gia, những nước này cũng đã xin lời khuyên và muốn hợp tác với hòn đảo. Nhờ có kết quả đó, Đài Loan đã tăng cường các nỗ lực nâng cao hình ảnh toàn cầu của mình bằng cách quyên góp thiết bị y tế giúp các nước bị ảnh hưởng nặng trên thế giới. Tuy nhiên, điều này đã khiến Bắc Kinh lên tiếng phản đối gay gắt.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phát đi cảnh báo rằng Đài Loan không nên chơi bất kỳ “thủ đoạn chính trị” nào để gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). “Hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau là điều thiết thực cần làm trong đại dịch này. Nhưng Đài Loan cần được lưu ý rằng nếu cố gắng sử dụng đại dịch này để chơi các thủ đoạn chính trị và làm tổn thương lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, họ nên cẩn thận”, tuyên bố có đoạn.

Hoàng Vũ (theo Reuters)