Thất vọng về WHO, chính quyền Trump đề xuất thành lập tổ chức thay thế

Chuyển động - Ngày đăng : 06:23, 14/04/2020

Các cố vấn hàng đầu trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thảo luận một số động thái nhiều khả năng sẽ nhằm “trừng phạt” Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gồm cả việc cắt ngân sách và thành lập một cơ quan khác để thay thế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một buổi họp báo tại Nhà Trắng - Ảnh: Politico

Theo nguồn thạo tin giấu tên nói với tờ Politico, các quan chức Mỹ đã bắt đầu soạn thảo kế hoạch trong đó đề xuất ngừng cấp ngân sách cho WHO và một cơ quan liên quan là Tổ chức Y tế liên châu Mỹ. Dự thảo này cũng đề nghị các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và một số cơ quan khác cố gắng tìm phương án cấp ngân sách cho các tổ chức có đủ điều kiện để thay thế WHO.

Bộ phận ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch này đều là các quan chức hàng đầu tại Nhà Trắng, những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Một số phụ tá của Tổng thống Trump thậm chí đã đề xuất ý tưởng xây dựng mô hình tổ chức thay thế dựa trên Chương trình Phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), cơ quan được thành lập vào giữa những năm 1990 khi có nhiều quan điểm bất đồng với cách ứng phó căn bệnh AIDS của WHO.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã liên tục đưa ra những lời chỉ trích đối với WHO về cách xử lý đại dịch khi cho rằng tổ chức này đã “thiên vị” Trung Quốc, nhấn mạnh các dự đoán và khuyến nghị của cơ quan này về COVID-19 thường xuyên sai lệch dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, đồng thời cảnh báo về việc Mỹ sẽ ngưng tài trợ và điều tra phản ứng của WHO đối với đại dịch.

Thêm vào đó, nhiều nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ cáo buộc WHO đã không điều tra độ chính xác về các báo cáo của Trung Quốc liên quan tới sự lây lan của COVID-19. Nhiều thượng nghị sĩ đã xuất hiện trên đài Fox News nhấn mạnh rằng WHO phải chịu trách nhiệm vì đã không ngăn chặn được coronavirus. Họ cũng cho rằng các nhà lãnh đạo của WHO đã quá “rụt rè” trong việc chỉ trích Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về đại dịch vốn bùng phát từ Trung Quốc, làm hơn 1,8 triệu người nhiễm và hơn 110.000 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, một số quan chức khác lại đang thúc giục chính quyền cần tỏ ra thận trọng hơn với kế hoạch cắt ngân sách hay tìm cơ quan thế WHO. Theo họ, việc cải cách WHO thông qua các cơ chế luật pháp và chính trị hiện có sẽ thu về kết quả nhiều hơn. Một số người thậm chí còn lo ngại về việc làm “suy yếu” vai trò của WHO trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành có thể vấp phải phán ứng dữ dội từ quốc tế, gồm cả một số đồng minh của Mỹ, cũng như có thể tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc đối với tổ chức này.

Một trong những người thúc đẩy mạnh mẽ việc cải tổ WHO là Andrew Bremberg, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, người có nhiều kinh nghiệm về chính sách y tế và từng là thành viên của Hội đồng Chính sách đối nội của Tổng thống Trump. Dù hoài nghi về tính hiệu quả của các tổ chức đa phương, nhưng Bremberg cho biết ông đã nhận thức được tầm quan trọng của cấu trúc kết nối toàn cầu của WHO trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Chuyên gia chính sách y tế toàn cầu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ Stephen Morrison nhận định rằng, trong 25 năm qua, WHO tuy có những khiếm khuyết nhưng vẫn đóng vai trò trung tâm để thiết lập ra các tiêu chuẩn và các hướng dẫn ứng phó khẩn cấp trên thế giới.

Ông Morrison lập luận rằng, đôi khi giải pháp để khỏa lấp sự thất vọng với cách xử lý đại dịch của WHO là “cải tổ cơ quan này”. Chẳng hạn, trong cuộc khủng hoảng đại dịch Ebola ở châu Phi năm 2014, có rất nhiều điều “không bằng lòng với WHO” bao gồm cả từ chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama. Song, điều đó đã mang lại nhiều cải cách hữu ích cho hoạt động ứng phó khẩn cấp của cơ quan y tế thuộc Liên Hợp Quốc.

Hoàng Vũ (theo Politico)