COVID-19 không cản trở được mưu đồ kiểm soát của Trung Quốc trên Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 16:24, 15/04/2020
Phát biểu tại diễn đàn trực tuyến do hội Nhà báo nước ngoài ở Philippines (Focap) tổ chức hôm 14.4, ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), chương trình theo dõi tình hình Biển Đông thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), khẳng định “Trung Quốc sẽ không dừng lại”.
“Dù có đại dịch hay không, Trung Quốc vẫn sẽ bình tĩnh triển khai các hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông như trước đây. Ý đồ của Trung Quốc là kiểm soát khu vực thông qua hải quân, lực lượng hải cảnh và đội tàu dân quân biển”, ông Poling nói.
Chuyên gia này cho rằng Trung Quốc sẽ không dừng gây áp lực cho đến khi buộc được các chính phủ ở Đông Nam Á hiện có vùng biển tranh chấp tại Biển Động, phải chấp nhận những thỏa thuận có lợi Bắc Kinh.
“Dữ liệu của chúng tôi ở thời điểm hiện tại về các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực, không có gì khác biệt với 6 tháng trước. Bắc Kinh có ý định lâu dài là thiết lập quyền kiểm soát trên thực tế đối với tất cả các vùng biển, không phận và thậm chí là đáy biển tại Biển Đông”, ông Poling nói.
Giữa lúc thế giới đang gồng mình đối phó với COVID-19, Bắc Kinh một mặt ngoại giao khẩu trang, đưa ra những lời đề nghị viện trợ y tế hào phóng nhằm xây dựng lại hình ảnh vốn đã bị xấu đi kể từ khi đại dịch bùng phát tại Trung Quốc. Mặc khác, vẫn ngang nhiên đẩy mạnh các hoạt động ảnh hưởng ở Biển Đông .
Hôm 2.4, hành động tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đã một lần nữa vạch trần mưu đồ chiếm đoạt Biển Đông của Bắc Kinh.
Trước đó, nhiều nhà phê bình cáo buộc Trung Quốc sử dụng các tàu dân quân, "đội lốt" tàu đánh cá để quấy rối tàu của ngư dân các nước trên Biển Đông. Hồi tháng 6 năm ngoái, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Philippines, rồi bỏ mặc 22 thuyền viên Philippines trôi dạt trên biển trước khi họ được một tàu cá Việt Nam giải cứu. Vụ việc đã khiến công chúng Philippines tức giận và lên án mạnh mẽ.
Trung Quốc tháng trước cũng đã ngang nhiên xây hai trạm nghiên cứu trái phép trên đá Chữ Thập, và đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa (chủ quyền Việt Nam). Một máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc cũng đã được phát hiện tại đá Chữ Thập vào tháng 3.
Ngoài ra, Trung Quốc gần đây liên tục tăng cường tập trận quân sự ở Biển Đông. Ngày 13.4, nhóm tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc cũng từ biển Hoa Đông di chuyển vào Biển Đông để tổ chức tập trận.
Đáng chú ý, hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ trang Marine Traffic cho thấy tàu Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng nhóm tàu hải cảnh hộ tống ngày 14.4 tái xuất hiện ở khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ). Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết các cơ quan chức năng đang theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông.
Những sự kiện gần đây nằm trong một chuỗi các hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông vài tháng nay trong bối cảnh thế giới đang để dồn sự tập trung vào việc chống lại đại dịch COVID-19. Bất chấp những động thái hung hăng này, chuyên gia Poling nhận định Bắc Kinh đang tránh đối đầu trực diện với các quốc gia có vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. “Những gì Trung Quốc muốn là làm cho những nước này phải thất vọng cho đến khi nào họ buông xuôi”, ông Poling nói và cảnh báo nếu các quốc gia không sớm có các hành động mạnh mẽ hơn, hậu quả sẽ rất khó lường.
Hoàng Vũ (theo Inquirer)