Bất chấp COVID-19 hoành hành, hàng ngàn người Mỹ xuống đường biểu tình phản đối cách ly
Chuyển động - Ngày đăng : 17:05, 16/04/2020
Người phát ngôn của cảnh sát bang Michigan, sĩ quan Shanon Banner cho biết cuộc biểu tình trên đã thu hút khoảng 3.000 đến 4.000 người, và 150 người trong số họ biểu tình trên các bậc thang của tòa nhà lập pháp Michigan. Một người biểu tình quá khích đã bị cảnh sát bắt giữ do tấn công người khác.
Những người biểu tình dừng xe bên ngoài tòa nhà lập pháp Michigan, giơ cao các biểu ngữ như “Thống đốc Whitmer, chúng tôi không phải là tù nhân”, “Người dân Michigan phản đối sự ngược đãi này”, hoặc “Hãy trả tự do cho chúng tôi”. Tình trạng ấy đã dẫn đến giao thông ùn tắc ở một số khu vực của thành phố Lansing, thủ phủ bang Michigan.
Cuộc biểu tình đã dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông - Ảnh: AP
Cuộc biểu tình này được tổ chức bởi Liên minh Bảo thủ Michigan, đã thu hút một số lượng khá đông đảo người Mỹ vốn đang bất mãn vì bị ngưng việc và phải ở nhà do các biện pháp cách ly xã hội được chính quyền tiểu bang ban hành.
“Các biện pháp của bà Whitmer là tùy tiện khi đóng cửa các doanh nghiệp, khiến công nhân bị mất việc. Điều này là một thảm họa kinh tế cho Michigan. Mọi người đang mệt mỏi và mệt mỏi vì điều đó”, một thành viên của Liên minh Bảo thủ, ông Meshawn Maddock nói.
Bốn quận trưởng ở các quận vùng tây bắc bang Michigan cũng lên tiếng chỉ trích các biện pháp khẩn cấp của Thống đốc Whitmer, cho rằng hành động đó đang làm người dân nản lòng. “Nền kinh tế đang tan rã ở phía bắc Michigan. Mọi người đang buồn bã và nóng lòng được đi làm trở lại”, quận trưởng hạt Leelanau nói với AP.
Trẻ em theo cùng bố mẹ cũng tham gia biểu tình - Ảnh: AP
Mỹ đến nay đã ghi nhận tổng cộng hơn 640.000 người nhiễm COVID-19, trong số đó có tới hơn 28.000 trường hợp tử vong. Tính riêng bang Michigan đã báo cáo hơn 28.000 ca nhiễm cùng 1.921 người chết. Trước tình hình này, chính quyền bang Michigan và nhiều nơi khác đã ban hành biện pháp khẩn cấp yêu cầu mọi người ở nhà cũng như đóng cửa các trường học và doanh nghiệp được coi là không thiết yếu cho đến hết ngày 30.4.
Thống đốc Whitmer cho biết bà rất đau lòng khi phải ban hành các hạn chế nhưng khẳng định đây là điều cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus vốn đang tàn phá nghiêm trọng nước Mỹ.
Hầu hết những người biểu tình đều không đeo khẩu trang - Ảnh: AP
Phản ứng trước cuộc biểu tình trên, bà Whitmer nói rằng sự kiện này gây “nguy hiểm” cho sức khỏe mọi người và bà cảm thấy thực sự thất vọng khi thấy những người biểu tình không biết tự bảo vệ bản thân, chẳng hạn đứng gần nhau mà không đeo khẩu trang.
Hoàng Vũ (theo AP)