Thế giới đồng loạt phản ứng trước quyết định cắt ngân sách WHO của Mỹ
Chuyển động - Ngày đăng : 20:54, 15/04/2020
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 15.5 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bày tỏ lo ngại trước động thái của Mỹ, đồng thời chỉ trích hành động của ông Trump sẽ làm suy yếu năng lực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và làm xói mòn hợp tác quốc tế chống lại dịch bệnh.
Ông Triệu nói rằng hơn 2 triệu người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đang trong giai đoạn quan trọng, và những quyết định của Washington sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới.
Khi được hỏi, liệu Trung Quốc sẽ có những “bù đắp” cho sự thiếu hụt nguồn ngân sách cho WHO, nhà ngoại giao Trung Quốc trả lời, Bắc Kinh “sẽ xem xét các vấn đề có liên quan theo nhu cầu của tình hình”.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cũng lên tiếng chỉ trích việc giảm tài trợ WHO của Tổng thống Trump là hành động “ích kỷ”, có thể làm tổn thương nhiều quốc gia trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
“Đây là một ví dụ về cách tiếp cận rất ích kỷ của chính quyền Mỹ đối với những gì đang xảy ra trên thế giới liên quan đến đại dịch. Một cú đánh như vậy đối với WHO vào thời điểm mà cả thế giời đang gặp khó trước đại dịch là một hành động đáng lo ngại và cần lên án”, ông Ryabkov cho biết hôm 15.5.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cũng đã thể hiện sự không đồng tình với nhà lãnh đạo Mỹ trên mạng xã hội Twitter. “Đổ lỗi không giúp được gì. Virus này không có biên giới. Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ với nhau để chống lại COVID-19. Một trong những khoản đầu tư tốt nhất là củng cố Liên Hợp Quốc, đặc biệt là tài trợ cho WHO, để phát triển và phân phối các bộ xét nghiệm và vắc-xin", ông Maas viết.
Liên minh châu Âu (EU) cũng có những bình luận tương tự với quyết định của Tổng thống Trump. “Chúng tôi rất lấy làm tiếc về quyết định ngưng tài trợ WHO. Không có lý do nào bào chữa cho động thái này tại một thời điểm khi mà những nỗ lực của Tổ chức Y tế thế giới là cần thiết hơn bao giờ hết”, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell cho biết.
Ngoài ra, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói đây không phải lúc cắt giảm nguồn lực cho WHO, kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hợp tác đoàn kết để ngăn chặn COVID-19 và những hậu quả của nó.
Còn Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định sự cần thiết của WHO để giải quyết đại dịch. “Tại một thời điểm như thế này khi chúng ta cần chia sẻ thông tin cần có lời khuyên mà chúng ta có thể dựa vào, WHO đã cung cấp điều đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và tiếp tục đóng góp”, bà Ardern cho biết.
Trong khi đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết ông đồng cảm với những lời chỉ trích của Tổng thống Trump về WHO, cũng như ghi nhận sự hỗ trợ “dồi dào” của Mỹ cho tổ chức này. Nhưng ông cho rằng, WHO cũng là một cơ quan thực hiện nhiều công việc quan trọng bao gồm cả trong khu vực ở Thái Bình Dương, đồng thời kêu gọi Washington nên cân nhắc lại.
John Sawers, cựu giám đốc của cơ quan tình báo MI6 của Anh, cho biết chính Trung Quốc che giấu thông tin quan trọng về sự bùng phát của COVID-19 đối với thế giới. “Sẽ là tốt hơn nếu bắt Trung Quốc phải chịu trách nhiệm thay vì WHO”, ông nói.
Những bình luận trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 14.4 thông báo đang chỉ đạo chính quyền ngừng cấp ngân sách và "thực hiện đánh giá làm rõ "vai trò của WHO trong việc quản lý và ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.
Trang Nhung (theo Reuters)