Quốc hội Mỹ tranh luận về bỏ phiếu qua thư điện tử
Chuyển động - Ngày đăng : 15:34, 19/04/2020
Đương kim Tổng thống Donald Trump cùng những đồng minh thuộc đảng Cộng hòa phản đối đẩy mạnh bỏ phiếu qua thư điện tử do lo ngại gian lận. Phía Dân chủ lập luận thủ tục bầu cử phải thay đổi vì người dân không muốn xếp hàng dài hoặc đến nơi đông đúc đầy nguy cơ lây nhiễm.
Nhiều nghị sĩ Dân chủ đang thúc đẩy đưa vào một dự luật ứng phó với COVID-19 mới (chuẩn bị được đưa ra) vài khoản tài trợ cho công tác bầu cử ở các bang. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đề xuất số tiền khoảng 2 - 4 tỉ USD để tiểu bang thiết lập hoặc mở rộng hạ tầng bỏ phiếu qua thư điện tử, đem lại phương án thay thế hình thức đi bỏ phiếu trực tiếp.
Ngày 7.4 vừa qua, cuộc bầu chọn sơ bộ ứng viên đại diện đảng Dân chủ tranh cử Tổng thống tại bang Wisconsin diễn ra trong tình trạng hàng loạt điểm bỏ phiếu đóng cửa và thiếu hụt nhân sự bởi dịch bệnh. Cử tri phải xếp hàng dài chờ đợi. Thống đốc Wisconsin (là đảng viên Dân chủ) vốn lên kế hoạch hoãn tổ chức nhưng đảng Cộng hòa đã ngăn chặn thành công.
Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar - nhân vật dẫn đầu nỗ lực bỏ phiếu qua thư điện tử - cùng Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hạ viện Zoe Lofgren phủ nhận cáo buộc muốn thao túng hoạt động bầu cử ở 50 bang từ đảng Cộng hòa.
Theo Thượng nghị sĩ Klobuchar: “Chúng tôi chỉ muốn bầu cử an toàn”. Ông đánh giá quan điểm đang dần thay đổi, tiêu biểu là trường hợp Thống đốc Chris Sununu của bang New Hampshire (đảng viên Cộng hòa) tuyên bố cân nhắc tiến hành bỏ phiếu qua thư điện tử nếu đến tháng 11 mà rủi ro dịch bệnh vẫn cao.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Rodney Davis yêu cầu không được lợi dụng tình hình dịch bệnh, đồng thời nhận định bỏ phiếu qua thư điện tử khó khả thi ở vùng nông thôn.
Trong cuộc họp báo ngày 7.4, Tổng thống Trump tuyên bố: “Bỏ phiếu qua thư điện tử là điều nguy hiểm cho đất nước. Đã từng xảy ra nhiều trường hợp lừa đảo”. Nhưng thăm dò của Reuters/Ipsos chỉ ra rằng 72% người Mỹ trưởng thành ủng hộ bỏ phiếu qua thư điện tử trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Mở rộng bỏ phiếu qua thư điện tử đòi hỏi các bang đầu tư hệ thống hạ tầng và đào tạo nhân lực phục vụ. Trung tâm Chính sách lưỡng đảng (Bipartisan Policy Center) ước tính số tiền cần dùng cho công tác này vào khoảng 1,5 tỉ USD.
Cẩm Bình (theo Reuters)