Ảnh vệ tinh cho thấy trinh sát cơ Trung Quốc hoạt động phi pháp ở Trường Sa
Chuyển động - Ngày đăng : 15:59, 22/04/2020
Bức ảnh vệ tinh này được chụp ngày 10.4 cho thấy hai phi cơ trên đường băng đảo nhân tạo được Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa.
"Báo cáo của ISI tiết lộ ít nhất một máy bay tuần thám biển KQ-200 đậu trên đá Chữ Thập trong một đợt huấn luyện. Nó có thể đang được quân đội Trung Quốc triển khai nhằm thực hành tìm kiếm tàu ngầm và tăng khả năng giám sát hàng hải", tài khoản Twitter của ISI cho hay.
ISI cho biết họ cũng đã nắm được vị trí bí mật của một máy bay khác đang hoạt động tại Trường Sa và nói rằng động thái tập trung máy bay như vậy có thể là dấu hiệu chuẩn bị cho các cuộc tập trận tại Biển Đông.
Trước đó vào ngày 29.3, ISI cũng đã đăng tải hình ảnh máy bay Y-8 của Trung Quốc đã hạ cánh xuống đá Chữ Thập và có thể mang theo hàng tiếp tế. “Hoạt động của máy bay vận tải của Trung Quốc ở Biển Đông có thể chỉ ra rằng quân đội Trung Quốc hầu như không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng y tế tại nước này”, ISI viết trên mạng xã hội Twitter.
Những hành động trên nằm trong những động thái phi pháp mới nhất của Trung Quốc trên Biển Đông, không lâu sau khi Bắc Kinh khánh thành trái phép 2 trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và đá Su Bi trong quần đảo Trường Sa trong bối cảnh thế giới đang để dồn sự tập trung vào việc chống lại đại dịch COVID-19.
Trung Quốc đang hành động bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông
Trong thời gian gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông một cách phi pháp cùng với sự gia tăng các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc bất chấp phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực rằng Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý hoặc lịch sử nào cho "đường 9 đoạn" vốn được Trung Quốc đơn phương vẽ ra để khẳng định chủ quyền tại vùng biển chiến lược này.
Giữa lúc thế giới đang gồng mình đối phó với COVID-19, Bắc Kinh một mặt ngoại giao khẩu trang, đưa ra những lời đề nghị viện trợ y tế hào phóng nhằm xây dựng lại hình ảnh vốn đã bị xấu đi kể từ khi đại dịch bùng phát tại Trung Quốc. Mặt khác, vẫn ngang nhiên đẩy mạnh các hoạt động ảnh hưởng ở Biển Đông .
“Dù có đại dịch hay không, Trung Quốc vẫn sẽ bình tĩnh triển khai các hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông như trước đây. Ý đồ của Trung Quốc là kiểm soát khu vực thông qua hải quân, lực lượng hải cảnh và đội tàu dân quân biển”, ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI), chương trình theo dõi tình hình Biển Đông thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho hay.
Chuyên gia này nói rằng Trung Quốc sẽ không dừng gây áp lực hòng buộc các nước Đông Nam Á hiện có vùng biển tranh chấp tại Biển Động, phải chấp nhận những thỏa thuận có lợi cho Bắc Kinh.
Peter Jennings, một cựu quan chức quốc phòng Úc và hiện là giám đốc điều hành Viện chính sách chiến lược Úc cho rằng, Trung Quốc đang chủ ý “lợi dụng tối đa các khoảnh khắc mất tập trung và sự sụt giảm khả năng của Mỹ trong khu vực để gây sức ép đối với các nước láng giềng”.
Hoàng Vũ (theo Inquirer, New York Times, New Straits Times)