Trung Quốc nạo vét trái phép quy mô lớn ở Biển Đông

Chuyển động - Ngày đăng : 14:11, 14/05/2020

Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy một đội tàu nạo vét của Trung Quốc không ngừng nghỉ “khuấy động” Biển Đông. Những hành động này được cho là bất hợp pháp và gây tổn hại về sinh thái.
Ảnh chụp hôm 13.4 từ vệ tinh cho thấy nhiều tàu được cho là của Trung Quốc đang tiến hành nạo vét ở Biển Đông - Ảnh: Sentinel Hub

Tạp chí Forbes hôm 12.5 đã công bố những hình ảnh từ Sentinel, hệ thống các vệ tinh quan sát trái đất thuộc Chương trình Copernicus của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA), cho thấy quy mô hoạt động “đáng kinh ngạc” của đội tàu nạo vét Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu, có thể đã triển khai hoạt động bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo tại vùng biển này.

Trước đó vào ngày 17.4, lực lượng cảnh sát biển Đài Loan đã báo cáo theo dõi khoảng 40 tàu nạo vét bất hợp pháp xuất hiện tại một khu vực tại phía bắc Biển Đông. Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 13.4 cho thấy hoạt động của các tàu nạo vét Trung Quốc tại khu vực này. Một hình ảnh khác được chụp vào ngày 3.5 cũng cho thấy đội tàu xuất hiện trở lại và tiếp tục nạo vét.

Hình ảnh cho thấy đội tàu nạo vét Trung Quốc hoạt động trở lại tại Biển Đông hôm 3.5 - Ảnh: Twitter

Mỗi tàu nạo vét Trung Quốc có thể hút hàng trăm tấn cát và thường xuyên di chuyển. Theo Chủ tịch Hiệp hội Động vật hoang dã và tự nhiên Đài Loan Jeng Ming-shiou, các tàu Trung Quốc đang nạo vét hơn 100.000 tấn cát mỗi ngày và hoạt động này đã diễn ra thường xuyên trong vài năm qua.

Số cát hút lên sẽ được chuyển về Trung Quốc nơi chúng được bốc dỡ tại các cảng như ở tỉnh Phúc Kiến. Lượng cát này có thể được sử dụng cho các dự án cải tạo đất quy mô lớn, chẳng hạn mở rộng sân bay Hồng Kông.

Một tàu nạo vét Trung Quốc hoạt động gần Đài Loan - Ảnh: Focus Taiwan

Trung Quốc những năm gần đây không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông. Bên cạnh đó là sự gia tăng các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc trên tuyến đường biển chiến lược mà nước này tự coi là lãnh thổ của mình, mặc dù phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý của họ vào năm 2016.

Giữa lúc thế giới đang gồng mình đối phó với COVID-19, Bắc Kinh một mặt đưa ra những lời đề nghị viện trợ y tế hào phóng nhằm xây dựng lại hình ảnh vốn đã bị xấu đi kể từ khi đại dịch bùng phát, mặt khác vẫn ngang ngược đẩy mạnh các hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực ở Biển Đông.

Hoàng Vũ (theo Forbes)