Nhà Trắng sẽ xem xét tình trạng Hồng Kông nếu Trung Quốc tiếp tục cản trở nhà báo Mỹ
Chuyển động - Ngày đăng : 14:52, 18/05/2020
“Những nhà báo này là thành viên của nền báo chí tự do, không phải là cán bộ tuyên truyền, và các bài báo của họ có giá trị truyền tải thông tin cho cả công dân Trung Quốc và trên toàn thế giới”, ông Pompeo viết trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter hôm 18.5.
Theo Telegraph, nước Anh ký với Trung Quốc thỏa thuận khi trao trả Hồng Kông vào năm 1997, trong đó đặc khu này được phép duy trì "mức độ tự trị cao" trong vòng 50 năm, và được quy định trong Luật cơ bản Hồng Kông. Việc đặc khu này được hưởng mức độ tự trị cao là cơ sở để Mỹ đánh giá "tình trạng đặc biệt" của nó, giúp đặc khu được hưởng các ưu đãi về thương mại tách biệt với Trung Quốc nói chung và trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu.
“Bất kỳ quyết định nào can thiệp vào công việc của các nhà báo hoặc liên quan đến quyền tự trị và tự do của Hồng Kông sẽ chắc chắn sẽ tác động đến đánh giá của chúng tôi về "một quốc gia, hai chế độ" và tình trạng của vùng lãnh thổ này”, ông Pompeo cho biết thêm.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ hôm 6.5 đã tuyên bố rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đã hoãn báo cáo cho Quốc hội bản đánh giá liệu Hồng Kồng có được hưởng đủ quyền tự trị từ Trung Quốc hay không để tiếp tục nhận được sự đối xử đặc biệt từ Mỹ. Ông Pompeo cũng giải thích rằng việc trì hoãn này nhằm mục đích để Washington có thêm thời gian quan sát các động thái của Bắc Kinh trước cuộc họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc thường niên của Trung Quốc, dự kiến diễn ra vào ngày 22.5.
Căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng đột biến trong những tuần gần đây sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump liên tục cáo buộc Trung Quốc về việc che giấu COVID-19 và nghi ngờ coroanvirus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc, khẳng định đã minh bạch thông tin và cảnh báo kịp thời cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như các nước khác. Đáng chú ý, hai cường quốc đã tiến hành hàng loạt biện pháp trả đũa lẫn nhau nhằm vào các nhà báo trong những tháng gần đây.
Washington đã yêu cầu từ ngày 13.3, tổng số phóng viên thường trú tại Mỹ của 5 đơn vị truyền thông lớn Trung Quốc không được quá 100 người, giảm 60 người so với trước. Đây được xem là một động thái trả đũa của Mỹ sau việc Trung Quốc trục xuất 3 nhà báo của tạp chí Wall Street Journal (WSJ) có trụ sở tại New York (Mỹ), liên quan tới một bài viết đăng tải hôm 3.2 bình luận về công tác phòng chống COVID-19, mà chính quyền Bắc Kinh cho rằng nó "hạ thấp Trung Quốc và phân biệt chủng tộc".
Được biết, quyết định trục xuất 3 nhà báo WSJ của Bắc Kinh được đưa ra không lâu sau khi Mỹ hồi giữa tháng 2 thông báo sẽ siết chặt quản lý 5 cơ quan truyền thông lớn của Trung Quốc, gồm hãng thông tấn Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (China Radio), Tập đoàn báo chí China Daily Distribution Corporation chuyên in ấn, phát hành, quảng bá tờ China Daily (Trung Quốc nhật báo), và Công ty Phát triển Hai Tian (Hải Thiên) tại Mỹ chuyên phân phối tờ People s Daily (Nhân dân nhật báo) - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trong một động thái ngay sau đó vào hôm 17.3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố trục xuất ít nhất 13 nhà báo Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu các nhà báo Mỹ làm việc cho các tờ New York Times, Washington Post và Wall Street Journal nộp lại thẻ tác nghiệp trong 10 ngày. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã yêu cầu 3 tờ báo nói trên cùng báo Voice of America và tờ Time phải báo cáo thông tin tài sản và nhân sự chi tiết cho chính phủ Trung Quốc.
Hoàng Vũ (theo Telegraph)