Chủ tịch ngân hàng sống sót trong tai nạn máy bay Airbus A320 tại Pakistan
Chuyển động - Ngày đăng : 06:51, 23/05/2020
Vụ tai nạn xảy ra vài ngày sau khi các hạn chế đi lại do coronavirus được dỡ bỏ ở nước này. Theo phát ngôn viên của PIA, chiếc Airbus A320 của hãng với 91 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn đã rơi xuống khu nhà ở xã hội Jinnah nằm gần sân bay.
Trong cuộc họp báo tối qua, giám đốc điều hành của PIA Arshad Mahmood Malik cho biết thi thể của 41 người đã được tìm thấy. Ông cũng cho biết hoạt động giải phóng hiện trường có thể kéo dài hai đến ba ngày. Hiện mới chỉ có một người sống sót từ đống đổ nát đã được xác nhận - chủ tịch của Ngân hàng Punjab, Zafar Masud (ảnh dưới).
Tuy nhiên, các quan chức địa phương sau đó đã báo cáo ít nhất hai người sống sót. "97 người chết và hai người sống sót. Đây là con số thương vong cuối cùng trên máy bay", Sở Y tế tỉnh Sindh của Pakistan hôm nay thông báo, thêm rằng chiến dịch tìm kiếm cứu nạn đã kết thúc sáng nay. Tuy nhiên, quan chức địa phương chưa cho biết thống kê về thương vong dưới mặt đất.
Bộ trưởng Y tế Sindh Azra Pechuho cho biết: "Ưu tiên hàng đầu là giải cứu người dân. Rào cản chính là những con đường hẹp và sự hiện diện của người dân thường tập trung tại hiện trường sau vụ tai nạn nhưng họ đã bị giải tán", ông Pechuho nói.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan cho biết vô cùng "sốc và đau buồn" trước sự việc. "Tôi đã liên lạc với giám đốc điều hành PIA Arshad Malik, người đã vội rời tới Karachi cùng đội cứu hộ vì đây là ưu tiên hàng đầu", ông Khan đăng trên Twitter, thêm rằng sẽ sớm điều tra về sự việc.
Sarfraz Ahmed, một lính cứu hỏa tại hiện trường cho biết phần mũi và thân của chiếc Airbus A320 đã bị hư hại nặng nề do va chạm. Các nhân viên cứu hộ gặp khó khi kéo thi thể khỏi máy bay vì nạn nhân vẫn đeo dây an toàn.
Các nhân chứng cho biết dường như máy bay đã cố gắng hạ cánh hai hoặc ba lần trước khi rơi ở khu dân cư gần sân bay quốc tế Jinnah. Đây là khu vực có nhiều người nghèo sinh sống. Abdul Rahman, một cư dân gần đó, cho biết ông đã nhìn thấy chiếc máy bay lượn vòng tròn ít nhất ba lần và dường như cố gắng hạ cánh trước khi lao vào những ngôi nhà. "Đầu tiên máy bay va vào tháp viễn thông, rồi đâm vào các ngôi nhà", nhân chứng Shakeel Ahmed, ở cách sân bay vài km, cho biết.
Thảm họa hàng không chết chóc nhất ở Pakistan xảy ra vào năm 2010, khi một chiếc Airbus A321, thuộc hãng hàng không tư nhân Airblue, cất cánh từ Karachi và lao xuống các ngọn đồi ngoại ô Islamabad, khiến toàn bộ 152 người thiệt mạng. Báo cáo điều tra nói rằng vụ tai nạn xảy ra do lỗi của phi công.
Anh Tú