Quốc hội Mỹ thông qua dự luật về Tân Cương, thổi bùng căng thẳng với Trung Quốc
Chuyển động - Ngày đăng : 15:48, 28/05/2020
Với 413 phiếu ủng hộ và chỉ 1 phiếu chống, “Đạo luật Chính sách nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ" được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 27.5 sau khi có được sự đồng thuận của toàn bộ 100 nhà lập pháp lưỡng đảng tại Thượng viện Mỹ hồi giữa tháng.
Dự luật kêu gọi trừng phạt những người dính líu tới cáo buộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm Hồi giáo khác ở Tân Cương. Cụ thể, luật yêu cầu Nhà Trắng đệ trình báo cáo lên quốc hội trong vòng 180 ngày, xác định những người được coi là chịu trách nhiệm ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ. Những cá nhân này sẽ bị trừng phạt bằng những hình thức như đóng băng tài sản ở Mỹ và bị từ chối nhập cảnh.
Ngoài ra, dự luật cũng kêu gọi các công ty và công dân Mỹ đang hoạt động tại khu vực Tân Cương thực hiện các biện pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không bị ảnh hưởng bởi lực lượng lao động “bị cưỡng ép” tại đây. Sau khi được quốc hội thông qua, dự luật này sẽ tiếp tục được chuyển tới Nhà Trắng để ông Trump xem xét ký ban hành chính thức.
“Hôm nay, với dự luật được lưỡng đảng thông qua áp đảo, Quốc hội Mỹ đang có bước đi cứng rắn để phản đối hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố. Việc dự luật nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng cho thấy Mỹ sẽ không làm ngơ trước "những vi phạm nhân quyền khủng khiếp của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ".
Được biết, Liên Hợp Quốc ước tính có tới hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị bắt giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương, Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh liên tục phủ nhận các cáo buộc, đồng thời khẳng định các trại giam giữ quy mô lớn tại Tân Cương là “các trung tâm giáo dục” hoàn toàn tự nguyện, và thường xuyên chỉ trích bất cứ ai lên tiếng hoặc kêu gọi đưa vấn đề này ra luật pháp.
Vào tháng 12 năm ngoái, Hạ viện Mỹ cũng từng thông qua một phiên bản khác của dự luật nói trên, cho phép chính quyền Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích và phản ứng cứng rắn hơn trước hành động của Trung Quốc với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương.
Bắc Kinh khi đó đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và cho rằng Mỹ đang cố tình bôi nhọ tình trạng nhân quyền ở Tân Cương, làm mất uy tín các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chống lại chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố tại khu vực; đồng thời cảnh báo Washington sẽ phải trả giá cho hành động này.
Việc thông dự luật nói trên chắc chắn sẽ thổi bùng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã không mấy tốt đẹp trong thời gian gần đây liên quan tới những tranh cãi xung quanh nguồn gốc đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại, Biển Đông và các vấn đề Hồng Kông, Đài Loan. Mỹ cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch, che giấu dịch bệnh và chậm cảnh báo, trong khi Bắc Kinh bác bỏ toàn bộ cáo buộc này.
Bộ Thương mại Mỹ hôm 22.5 cũng liệt 33 công ty và thực thể Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì “có liên quan tới hành vi vi phạm và lạm dụng nhân quyền, giam giữ tùy tiện quy mô lớn, lao động cưỡng ép và giám sát công nghệ cao nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây cũng đã trình báo cáo lên Quốc hội, trong đó tuyên bố Hồng Kông đã không còn duy trì được mức độ tự chủ cao trước đại lục. Đây được xem như một động thái mở đường cho việc Mỹ có thể hủy các ưu đãi thương mại đặc biệt dành cho Hồng Kông.
Hoàng Vũ (theo SCMP)