Biểu tình ở Mỹ là cơ hội lớn cho truyền thông Trung Quốc
Chuyển động - Ngày đăng : 16:13, 02/06/2020
Làn sóng biểu tình đã bùng phát trên khắp nước Mỹ để phản đối chính quyền và đòi công lý cho George Floyd, người đàn ông da màu chết hôm 25.5 khi bị cảnh sát ghì cổ. Một số cuộc biểu tình đã diễn ra trong bầu không khí ôn hòa, trong khi một số khác chìm trong bạo lực với một loạt các vụ cướp bóc, phá hoại, đốt phá, tấn công cảnh sát khiến hàng ngàn người đã bị bắt, nhiều tài sản, nhà cửa bị hư hại.
Ngoài thủ đô Washington, hơn 40 thành phố tại Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm đối phó biểu tình. Hàng chục ngàn lính Vệ binh quốc gia đã triển khai ở Washington và 26 bang. Trước tình hình này, Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc các thống đốc bang có các biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn những người biểu tình bạo lực.
Các cuộc biểu tình trên là cơ hội để Trung Quốc đưa ra những phản bác chống lại sự chỉ trích từ các chính phủ nước ngoài và truyền thông phương Tây liên quan tới việc xử lý các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, đối xử với các nhóm thiểu số Hồi giáo ở vùng tây bắc Tân Cương và các vấn đề nhân quyền khác.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã mới đây đã đăng tải bài bình luận có tiêu đề "Sự nghẹt thở sắp tới của giấc mơ Mỹ".
"Giữa các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đang diễn ra ở Mỹ, những người ra quyết định ở Washington, thay vì cố gắng xoa dịu nỗi đau và sự tức giận của công chúng, đã thổi bùng ngọn lửa, gọi những người biểu tình là kẻ du côn, và đe dọa họ với những con chó hung ác và vũ khí đáng lo ngại nhất", bài bình luận cho hay.
Tân Hoa Xã hôm 30.5 thậm chí đã mô tả tình hình hỗn loạn trong biểu tình đòi công lý cho George Floyd ở các thành phố Mỹ là "cảnh tượng đẹp đẽ của Pelosi", ám chỉ bình luận của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi năm ngoái rằng các cuộc biểu tình ở Hồng Kông là "cảnh đẹp đáng chiêm ngưỡng".
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc - CCTV còn gọi những thành phố nơi diễn ra biểu tình là "vùng chiến sự", liên tục phát bản tin cập nhật tình hình và phân tích, trong đó nhấn mạnh sự phân biệt chủng tộc ở Mỹ.
Trong một chương trình trên CCTV hôm 30.5, các nhà bình luận mô tả bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình ở Mỹ là "ly rượu đắng" được chưng cất bởi chính các chính trị gia Mỹ. "Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc", theo lời bình luận, "là cái bóng đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ và vết sẹo sẽ không lành".
China Daily, một tờ báo được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, cũng có bài bình luận cho rằng “Nước Mỹ dường như đang bốc cháy, và quân đội đã được huy động để khuất phục những người biểu tình tức giận. Đây chắc chắn không phải là những gì thế giới mong đợi sẽ thấy ở một quốc gia vốn siêu cường duy nhất của thế giới. Nhưng thật đáng buồn đó chính là Mỹ”.
Giới chức Trung Quốc và Hồng Kông từ lâu đã tức giận trước những chỉ trích của Mỹ và các nước phương Tây về cách xử lý các cuộc biểu tình ở đặc khu vào năm ngoái, đồng thời cáo buộc "các lực lượng nước ngoài" đứng sau sự hỗn loạn ở Hồng Kông.
Đáng chú ý, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) mới đây đã cáo buộc Mỹ áp dụng "tiêu chuẩn kép" trong cách phản ứng với hai cuộc biểu tình bạo lực gần đây.
"Chúng ta đã thấy rõ ràng nhất trong những tuần gần đây về tiêu chuẩn kép được áp dụng. Có những cuộc bạo loạn ở Mỹ và chúng ta chứng kiến các chính quyền địa phương ở Mỹ đã phản ứng ra sao. Ở Hồng Kông, chúng ta có những cuộc gây loạn tương tự và chúng ta đã chứng kiến quan điểm họ áp dụng khi đó", bà Lâm phát biểu trước báo giới hôm 2.6.
Thuộc địa cũ của Anh đã rơi vào tình trạng bất ổn từ giữa năm ngoái khi các cuộc biểu tình nổ ra để phản đối dự luật cho phép dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc. Người biểu tình dùng gạch đá, cung tên, còn cảnh sát dùng hơi cay, vòi rồng... và bắt giữ nhiều người. Tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố chính quyền của ông đang bắt đầu quá trình tước quy chế đối xử đặc biệt của Mỹ với Hồng Kông, để đáp trả việc Trung Quốc thông qua luật an ninh mới với đặc khu này - một kế hoạch cũng châm ngòi cho các cuộc biểu tình phản đối ở Hồng Kông những ngày qua.
Trang Nhung (theo CNN, Reuters)