Nghị sĩ 8 nước lập liên minh đối phó thách thức từ Trung Quốc

Chuyển động - Ngày đăng : 19:30, 05/06/2020

18 nhà lập pháp từ 9 cơ quan lập pháp đến từ các nước phương Tây đã thông báo thành lập một liên minh để "đưa ra một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc" thông qua các chiến lược tập thể.
18 nghị sĩ đến từ 8 nước tham gia IPAC - Ảnh: Ipac.global

Nhóm này có tên "Liên minh nghị viện đa quốc gia về chính sách đối phó Trung Quốc" (Inter-Parliamentary Alliance on China - IPAC). Liên minh được lập ra trong bối cảnh nhiều quốc gia phương Tây phản đối quyết định của Bắc Kinh về việc áp luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, cũng như chỉ trích sự thiếu minh bạch của Trung Quốc về đại dịch COVID-19.

IPAC gồm 18 nhà lập pháp từ Nghị viện châu Âu và các nước Mỹ, Anh, Đức, Canada, Úc, Nhật Bản, Na Uy, Thuỵ Điển, với các thành viên duy trì lập trường hoài nghi về Trung Quốc. Trong số này có các thượng nghị Mỹ Marco Rubio và Robert Menendez hay các nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu là Reinhard Bütikofer và Iain Duncan Smith, cựu lãnh đạo của Đảng Bảo thủ Anh. Liên minh này cho biết thêm nhiều thành viên khác được kỳ vọng sẽ gia nhập.

Ông Rubio và Menendez là những người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc tại Quốc hội Mỹ. Họ đã thúc đẩy nhiều nỗ lực lập pháp tại Quốc hội Mỹ hiện nay để đối đầu với Trung Quốc về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và vấn đề Hồng Kông. Hai nghị sĩ này cũng nằm trong nhóm các thượng nghị sĩ đề xuất Đạo luật Dân chủ và quyền con người Hồng Kông hồi năm 2019. Dự luật này đã được ký thông qua vào tháng 11 cùng năm.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio hiện đang là đồng Chủ tịch của Ủy ban tư vấn của Quốc hội Mỹ về các vấn đề quan hệ với Trung Quốc, một cơ quan thường xuyên chỉ trích các vấn đề luật pháp và tự do của Bắc Kinh.

"Cách chúng ta phản ứng với nỗ lực tái định hình thế giới của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chính là câu hỏi chính sách ngoại giao của thời đại chúng ta", ông Rubio nói và cho rằng thách thức hiện nay "lớn hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia, chính quyền hay đảng phái chính trị riêng lẻ nào".

Trong khi đó, nghị sĩ Michael Brand, một đại diện của Đức tại IPAC, và là người phát ngôn các vấn đề quyền con người của đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo CDU) - đảng của Thủ tướng Angela Merkel, cũng từng lên tiếng chỉ trích rằng chính quyền Đức "đang khúm núm" trước Trung Quốc.

“Chúng tôi đã từng kỳ vọng Trung Quốc sẽ cởi mở hơn trong tương lai. Những điều này vẫn chưa xảy ra”, Elisabet Lann nhà lập pháp đại diện cho Thụy Điển tại IPAC, cho biết.

Liên minh IPAC cũng có sự góp mặt của thành viên Nghị viện châu Âu, ông Reinhard Butikofer người cũng từng cáo buộc Trung Quốc đang tiếp tục định hình lại trật tự thế giới có lợi cho tham vọng bá quyền của Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh "không quốc gia nào có thể một mình bảo vệ sự toàn vẹn và trật tự quốc tế".

IPAC cho biết trên trang web chính thức (https://www.ipac.global/) của mình rằng, sứ mệnh của nhóm là tăng cường hợp tác giữa các nhà lập pháp có cùng chí hướng với nhau để xây dựng một cách tiếp cận chiến lược của các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Theo đó liên minh này sẽ tập trung vào năm lĩnh vực về hoạch định chính sách liên quan đến Trung Quốc: bảo vệ trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế; giữ vững quyền con người; thúc đẩy công bằng thương mại; xây dựng chiến lược bảo mật bổ sung; và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn quốc gia.

“Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang đại diện cho một thách thức mang tính toàn cầu. Các quy tắc dân chủ giúp chúng ta tự do và an toàn đang chịu áp lực lớn hơn bao giờ hết. Trật tự dựa trên các luật lệ cũng đang bị ảnh hưởng. Và điều này không thể tiếp diễn mà không được kiểm soát. Không quốc gia nào phải tự chịu gánh nặng này", các thành viên IPAC nêu trong một tuyên bố chung.

Hoàng Vũ (theo TIME, SCMP)