3 tàu sân bay Mỹ xuất hiện cùng lúc khiến Trung Quốc lo ở Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 14:34, 15/06/2020
Theo thông cáo báo chí của hải quân Mỹ, tàu USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt đều đang tuần tra ở phía tây Thái Bình Dương, trong khi USS Nimitz ở phía đông. Với mỗi tàu trang bị hơn 60 máy bay, đây là lần triển khai lớn nhất các tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương kể từ năm 2017 – thời điểm căng thẳng cao trào với Triều Tiên về chương trình vũ khí hạt nhân.
Sự hiện diện trên đã được nêu bật đầu tiên trong một báo cáo của Associated Press vào thứ sáu. AP trích lời Chuẩn đô đốc Stephen Koehler, chỉ huy điều hành của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: “Các nhóm tác chiến tàu sân bay đương nhiên là biểu tượng phi thường cho sức mạnh hải quân Mỹ. Tôi thực sự phấn khích vì hiện tại chúng tôi có 3 nhóm tác chiến tàu sân bay đang hoạt động trong khu vực”. Mỹ có tổng cộng 7 tàu sân bay hoạt động khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhưng 4 tàu hiện đang bảo trì tại cảng.
Ông Koehler cũng khẳng định các hoạt động đáng lo ngại của Trung Quốc trên Biển Đông gần đây và thái độ ngày càng phớt lờ quốc tế. Do vậy, ba nhóm tàu tấn công cùng xuất hiện đã đưa ra một lời khẳng định mạnh mẽ cho cam kết của Mỹ đối với khu vực và các đồng minh.
AP khi đó cũng dẫn lời ông Bonnie Glaser, người đứng đầu về dự án nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) phân tích: "Một số bài viết từ Trung Quốc đã có thái độ cho rằng Mỹ bị vi rút tấn công mạnh mẽ, khả năng sẵn sàng quân sự bị sa sút. Có lẽ vì thế mà Mỹ đưa ra thông điệp để báo cho Trung Quốc rằng họ không nên tính toán sai". Đồng thời, ông suy đoán: "Người Trung Quốc chắc chắn sẽ miêu tả hành động này như một ví dụ về sự khiêu khích của Mỹ và là bằng chứng cho thấy Mỹ là nguồn gốc của sự bất ổn trong khu vực".
Đúng như lời của ông Glaser, phía Trung Quốc đã có phản ứng rất nhanh. Vào Chủ nhật, Hoàn cầu thời báo (phụ san của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc) cho biết các tàu sân bay có thể mối đe dọa quân đội Trung Quốc ở Biển Đông
Hoàn cầu còn dẫn lời Li Jie, một chuyên gia hải quân, cho biết: "Bằng cách tập trung các tàu sân bay này, Mỹ đang cố gắng chứng minh cho cả khu vực và thậm chí cả thế giới rằng họ vẫn là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất, khi họ có thể tiến vào Biển Đông và đe dọa quân đội Trung Quốc trên các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa (đều thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp) cũng như các tàu thuyền đi qua vùng biển gần đó”.
Bài báo - được đăng trên trang web (bản tiếng Anh) chính thức của quân đội Trung Quốc (PLA) cũng nhấn mạnh các vũ khí có sẵn của quân đội Trung Quốc, đồng thời cho biết Bắc Kinh có thể tổ chức các cuộc tập trận để đáp trả Mỹ. Bài báo còn viết: “Trung Quốc sở hữu vũ khí sát thủ với hàng không mẫu hạm như tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26".
Collin Koh, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc phòng tại Singapore, cho biết Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ vì sự hiện diện của các tàu sân bay vừa qua hoàn toàn mâu thuẫn với sự miêu tả của Bắc Kinh về hải quân Mỹ. Trước đó, thái độ của Bắc Kinh là coi hải quân Mỹ như một lực lượng đang bị tê liệt bởi đại dịch coronavirus.
Ông Koh phân tích: "Chuyện đó (3 tàu sân bay xuất hiện ở Thái Bình Dương) đi ngược lại câu chuyện mà Trung Quốc muốn tuyên truyền để diễn tả Mỹ đang ở trạng thái bị căng thẳng ở Thái Bình Dương".
Đúng là như vậy, tàu Roosevelt đã trở lại biển vào ngày 4.6 sau nhiều tuần nằm bẹp tại cảng ở đảo Guam do dịch coronavirus hoành hành trên tàu hồi tháng 3. Thời điểm cao trào, hơn 1.000 người trong 4.900 thành viên thủy thủ đoàn của tàu bị dương tính với COVID-19. Chỉ huy của tàu Roosevelt, Carlos Sardiello tuyên bố: "Chúng tôi đã đưa Theodore Roosevelt trở lại biển như một biểu tượng cho niềm hy vọng, cho niềm phấn khích và là biểu hiện sức mạnh quốc gia bởi vì chúng tôi là Theodore Roosevelt".
Tàu Reagan trở lại biển vào cuối tháng 5 sau khi các thành viên thủy thủ đoàn được đặt dưới sự kiểm dịch chặt chẽ tại căn cứ ở Nhật Bản để đảm bảo khi ra biển, tàu không có trường hợp nhiễm COVID-19 nào nữa. Tranh thủ thời gian đó, tàu cũng đã được nạp hơn 1.000 tấn vũ khí để ở trạng thái chiến đấu cao nhất "khiến con tàu chìm hơn 5 inch so với mực nước trước".
Việc Mỹ triển khai tàu sân bay còn khiến Trung Quốc bất an trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh trên Biển Đông và Đài Loan. Tuần trước, một chiếc máy bay vận tải C-40 của hải quân Mỹ, sức chứa tương đương với một chiếc Boeing 737, đã bay qua Đài Loan trên đường đến Thái Lan. Hải quân Mỹ nói đó là một chuyến bay hậu cần thường lệ. Phát ngôn viên của Hải quân Mỹ Reann Mommsen nói với CNN rằng chiếc C-40 bay qua Đài Loan với sự cho phép từ các kiểm soát viên không phận Đài Loan. Nhưng Bắc Kinh vốn coi Đài Loan là một tỉnh, lại gọi chuyến bay là "một hành động bất hợp pháp và một sự khiêu khích nghiêm trọng". Cụm từ trong ngoặc kép là do Tân Hoa Xã trích lời ông Zhu Fenglian, người phát ngôn của Văn phòng Nhà nước phụ trách Đài Loan.
Vào ngày 4.6, Hải quân Mỹ đã điều một tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường đi qua eo biển Đài Loan. Và ở Biển Đông, các tàu chiến Mỹ đã thực hiện nhiều hoạt động tự do hàng hải trong năm nay. Máy bay chiến đấu và máy bay do thám của Mỹ cũng đã hoạt động tại vùng biển mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền và không được quốc tế thừa nhận.
Anh Tú (theo CNN)