Nhiều nước lên tiếng việc Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông

Chuyển động - Ngày đăng : 06:13, 01/07/2020

Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trong đó có Liên minh châu Âu EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, đã chỉ trích động thái của Bắc Kinh khi thông qua luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông. EU cho biết khối này đang “trong quá trình” cân nhắc các động thái kế tiếp cùng với các nghị sĩ và đối tác nước ngoài trong khi Anh muốn khẩn trương biết nội dung đầy đủ của luật.
Quyết định thông qua luật an ninh Hồng Kông đã vấp phải chỉ trích từ quốc tế - Ảnh: SCMP

Phát biểu trong họp báo, sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh Hồng Kông hôm 30.6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết: “EU đang xem xét và lấy làm tiếc vì quyết định của Trung Quốc. Đạo luật này có nguy cơ nghiêm trọng làm suy yếu đến cơ chế tự trị cao của Hồng Kông và tác động tiêu cựđến sự độc lập của tư pháp và pháp quyền tại đặc khu”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng cho biết sẽ chú ý kỹ lưỡng về cách phản ứng với sự việc. Theo bà von der Leyen, nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm cả nghị viện châu Âu, đã phát đi các thông điệp tương tự. EC đang thảo luận với "các đối tác quốc tế" về những biện pháp đối phó.

Tại Anh, Ngoại trưởng Dominic Raab cho biết London “quan ngại sâu sắc về động thái của Bắc Kinh. Đây sẽ là một bước đi nghiêm trọng”.

Chính phủ Nhật Bản cũng mô tả quyết định của Trung Quốc là một điều đáng tiếc, nói rằng luật an ninh Hồng Kông sẽ làm tổn hại niềm tin quốc tế đối với nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ”. Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại về tác động của luật an ninh Hồng Kông đối với trao đổi kinh tế giữa Hàn Quốc và Hồng Kông, cũng như những bất ổn đối với quyền tự trị trong tương lai của đặc khu.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, khẳng định Bắc Kinh "rõ ràng không có chung các giá trị" với họ. "Đó là dân chủ, tự do và tôn trọng pháp luật. Chúng tôi nhận thấy luật an ninh mới đã làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông", ông Stoltenberg nói.

Trong khi đó, chính quyền hòn đảo tự trị Đài Loan cũng tham gia vào phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc khi bày tỏ lo ngại luật mới sẽ "tác động nghiêm trọng" đến tự do, nhân quyền và sự ổn định của Hồng Kông, đồng thời nhắc lại sự ủng hộ đối với người dân tại đặc khu.

"Chúng tôi hy vọng người dân Hồng Kông tiếp tục gắn bó với các quyền tự do, dân chủ và nhân quyền mà họ trân trọng", lãnh đạo Thái Anh Văn phát biểu và cho biết bà "vô cùng thất vọng" với động thái của Bắc Kinh.

Hội đồng các vấn đề ddại lục của Đài Loan cũng cho biết luật an ninh Hồng Kông là một biện pháp để Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát đối với Hồng Kông và làm xói mòn thêm quyền tự trị, quyền tự do và luật pháp của đặc khu.

Ngay trước khi Trung Quốc thông qua dự luật gây tranh cãi này, Mỹ tuyến rút quy chế đặc biệt dành cho Hồng Kông. Cụ thể, Mỹ sẽ dừng xuất khẩu vũ khí và đình chỉ quy định ưu đãi thương mại cho đặc khu này.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cũng thông báo bắt đầu thu hồi trạng thái đặc biệt của Hồng Kông bao gồm cả các trường hợp ưu tiên về giấy phép xuất khẩu, cho biết thêm rằng các động thái tiếp theo để loại bỏ tình trạng đặc quyền của Hồng Kông đã được đánh giá.

Những phản ứng được đưa ra sau khi chính quyền Trung Quốc chính thức thông qua luật an ninh Hồng Kông nhằm cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với các lực lượng nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.7.

Động thái này đã làm dấy lên lo ngại về nguyên tắc "Một quốc gia, Hai chế độ", cam kết cho đặc khu Hồng Kông mức độ tự trị cao khi đặc khu được Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh nhiều lần khẳng định dự luật trên thực tế củng cố nguyên tắc tự trị trên cũng như phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hồng Kông phát triển.

Trong một thông điệp video gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) hôm nay, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) tuyên bố Hồng Kông "đã bị tổn thương bởi bạo lực leo thang do các thế lực bên ngoài", đồng thời "không chính quyền trung ương nào có thể làm ngơ trước những mối đe dọa như vậy đối với chủ quyền và an ninh quốc gia".

"Luật an ninh nhằm ngăn chặn, kiềm chế và trừng phạt các hành vi nhằm chấm dứt, lật đổ quyền lực của chính quyền, các hoạt động khủng bố... Các tội này sẽ được quy định rõ ràng trong luật. Chúng tôi chỉ nhắm vào một nhóm rất nhỏ những người vi phạm pháp luật", bà Lâm nói trong video gửi tới UNHRC.

Hoàng Vũ (theo Reuters, SCMP)