Mỹ tăng mạnh ca nhiễm COVID-19, châu Âu cấp phép sử dụng thuốc kháng vi-rút của công ty Mỹ
Chuyển động - Ngày đăng : 08:22, 04/07/2020
Nước ghi nhận nhiều ca mắc nhất vẫn là Mỹ (gần 55.000 ca) và đây là ngày thứ 3 liên tiếp, số ca nhiễm mới của Mỹ ở trên mức 50.000 ca. Hai tuần trước đây, số ca mắc mới tại Mỹ ở mức khoảng 22.000 ca/ngày, nhưng trong 7 ngày qua con số này luôn ở mức hơn 40.000 ca/ngày. Việc Mỹ ghi nhận các ca nhiễm tăng vọt gần đây cho thấy tình hình dịch bệnh lây lan tại Mỹ diễn biến rất phức tạp. Nguyên nhân của tình trạng này được báo chí thân đảng Dân chủ cho là hệ quả của việc mở cửa lại sớm của một số bang bất chấp cảnh báo của giới y khoa. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cho rằng đây chỉ là hệ quả của việc nước Mỹ tiến hành xét nghiệm rộng rãi hơn.
Tiếp theo Mỹ là Brazil (gần 42.000 ca) có giảm đôi chút so với cao điểm tháng trước có ngày ghi nhận gần 50.000 ca nhiễm mới. Tuy dịch bệnh đã có phần giảm nhẹ nhưng nhiều chuyên gia vẫn cảnh báo tỷ lệ lây nhiễm ở Brazil đang ở mức cao và việc nới lỏng các biện pháp cách ly lúc này có thể lại đẩy mạnh nguy cơ lây nhiễm nhanh. Điều đáng lo ngại là một số bang ở Brazil sau khi thực hiện cách ly đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế.
Tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận gần 23.000 ca nhiễm mới. Đây là mức tăng theo ngày cao kỷ lục, nâng tổng số ca COVID-19 lên 649.889, trong đó có 18.669 ca tử vong, riêng trong 24 giờ qua có 444 ca tử vong mới.
Tại châu Phi, Nam Phi ghi nhận hơn 9.000 ca nhiễm mới. Tốc độ lây lan nhanh ở Nam Phi do nước này nằm ở Nam bán cầu, đang trong mùa lạnh và Nam Phi cũng là nước có năng lực xét nghiệm tốt nhất châu Phi. Thực tế các nước khác tại châu Phi có thể ghi nhận nhiều hơn con số thực tế.
Tại Trung Mỹ, Mexico là nước ghi nhận hơn 6.700 ngàn ca. Trong 24 giờ qua, Mexico thông báo ghi nhận 6.741 ca mắc COVID-19 trong một ngày, đánh dấu ngày có số ca mắc mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này.
Theo số liệu chính thức từ Bộ Y tế Mexico, với số ca mắc mới nói trên, nước này đã ghi nhận tổng cộng 238.511 ca mắc COVID-19, trong đó có 29.189 ca tử vong - tăng 679 ca so với một ngày trước đó. Như vậy, hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Mexico đã vượt cả Tây Ban Nha, một trong những quốc gia châu Âu chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch.
Tại châu Âu, lúc này các ổ dịch cũ như Ý, Tây Ban Nha, Pháp hay Anh đều đã kiểm soát được dịch bệnh. Thay vào đó, Nga đang là nơi có tốc độ lây lan nhanh với hơn 6.700 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Giờ châu Âu đang tập trung vào điều trị những người bị mắc COVID-19.
TTXVN đưa tin ngày 3.7, Ủy ban châu Âu (EC) đã cấp phép sử dụng thuốc kháng vi-rút Remdesivir để điều trị COVID-19 tại châu Âu. Quyết định của EC được đưa ra sau khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho phép sử dụng thuốc Remdesivir để điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 trên 12 tuổi bị viêm phổi và phải thở máy.
Remdesivir là sản phẩm của công ty Mỹ Gilead Sciences và là loại thuốc đầu tiên cho kết quả cải thiện tình trạng bệnh ở bệnh nhân COVID-19 trong các thử nghiệm lâm sàng chính thức. Tại Mỹ, Ấn Độ và Hàn Quốc, thuốc này đã được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để điều trị những ca bệnh nặng.
Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 79 ngày
Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đã 79 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, hiện chỉ còn 12 bệnh nhân mắc COVID-19. Số người đang cách ly chống dịch tăng lên hơn 10.000 người, tăng thêm hơn 1.600 người so với hôm qua.
Tổng số ca mắc:
- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 04/7: đã 79 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tính đến 6h ngày 04/7: Việt Nam có tổng cộng 215 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
- Tính từ 18h ngày 03/7 đến 6h ngày 04/7: 0 ghi nhận ca mắc mới.
Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 10.621, trong đó:
- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 103
- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 10.121
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 397
A.T