Trung Quốc ra mắt lực lượng đặc nhiệm an ninh chính trị
Chuyển động - Ngày đăng : 15:17, 07/07/2020
“Lực lượng đặc nhiệm có nhiệm vụ triệt phá tất cả các loại xâm nhập, lật đổ, phá hoại, hoạt động khủng bố bạo lực, hoạt động ly khai dân tộc và các hoạt động tôn giáo cực đoan”, Reuters trích dẫn ghi chú từ cuộc họp về lực lượng đặc nhiệm được công bố trên tờ Kiểm sát nhật báo – cơ quan ngôn luận của Viện KSND tối cao Trung Quốc.
Ngoài ra, sứ mệnh chính của lực lượng này là để bảo vệ hệ thống chính trị Trung Quốc nhằm đảm bảo an toàn quốc gia và lợi ích của người dân, "Một chính phủ chỉ có thể đảm bảo an toàn cho người dân họ nếu duy trì môi trường chính trị ổn định".
Lực lượng đặc nhiệm này là một phần của nhóm điều phối Xây dựng hòa bình Trung Quốc được thành lập vào tháng 4 lãnh đạo bởi Quách Thanh Côn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, quan chức thực thi pháp luật hàng đầu của Trung Quốc.
Động thái này được đưa ra sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông vào cuối tháng 6. Luật này có hiệu lực từ ngày 1.7, theo đó hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Bất kỳ người nào vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các "trường hợp nghiêm trọng" thuộc về chính quyền trung ương.
Theo Tuyên bố chung Trung - Anh năm 1984, chính phủ Trung Quốc đồng ý duy trì các quyền tự chủ của đặc khu Hồng Kông tới năm 2047 theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ", với hệ thống pháp lý và tư pháp riêng. Khi làn sóng biểu tình phản đối dự luật dẫn độ nổ ra ở Hồng Kông năm ngoái, Bắc Kinh từng đe dọa triển khai quân đội từ đại lục đến đặc khu để ngăn chặn tình trạng bạo lực, nhưng điều này cuối cùng đã không xảy ra mà chỉ có lực lượng cảnh sát Hồng Kông xử lý khủng hoảng.
Nhưng với luật an ninh mới, quyền lực của Bắc Kinh tại Hồng Kông giờ đây ghê gớm hơn. Trong tương lai, chính quyền trung ương có thể triển khai binh sĩ tới đặc khu mà không cần giới chức địa phương yêu cầu, cũng như có quyền dẫn độ cư dân Hồng Kông tới đại lục hoặc giám sát các nhà hoạt động chính trị đối lập mà vẫn được tiếng tuân thủ luật pháp.
Quyết định ban hành luật của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia trên thế giới khi cho rằng luật này làm xói mòn quyền tự do của người dân Hồng Kông. Mỹ, EU, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Trung Quốc chính thức thông qua luật an ninh. Trong tuyên bố gửi tới Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, 27 nước cũng đã kêu gọi Bắc Kinh xem xét lại việc áp dụng luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông.
Hoàng Vũ (theo Reuters)