Trung Quốc đổi tên ‘Viện Khổng Tử’

Chuyển động - Ngày đăng : 15:44, 05/07/2020

Trong bối cảnh vấp phải làn sóng phản đối khắp thế giới với các cáo buộc gián điệp, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã từ bỏ thương hiệu Viện Khổng Tử, đổi tên thành “Trung tâm Hợp tác và giáo dục ngôn ngữ”.
Viện Khổng Tử của Trung Quốc đã có hơn 500 cơ sở giáo dục đại học trên toàn cầu - Ảnh: SCMP

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết các trụ sở Viện Khổng Tử (còn gọi là Hán Biện) đã đổi tên thành Trung tâm Hợp tác và giáo dục ngôn ngữ. Chỉ thị này đã được lan truyền trên mạng xã hội vào ngày 4.7. SCMP dẫn lời một nguồn tin trong ngành giáo dục Trung Quốc xác nhận trụ sở chính của Viện Khổng Tử đã được đổi tên hôm 24.6.

Chuyên gia Sun Yixue đến từ Đại học Đồng Tế (Thượng Hải, Trung Quốc) cho biết việc thay đổi tên liên quan đến nhiều loại áp lực từ quốc tế. “Đây là một sự điều chỉnh kịp thời của Trung Quốc để thích ứng với tình hình mới của trao đổi văn hóa và ngôn ngữ thế giới, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả các Viện Khổng Tử ở nước ngoài nên được đổi tên cho phù hợp”, Sun nói.

Được biết Trung Quốc thành lập Viện Khổng Tử gần như trên khắp thế giới. Cơ sở đầu tiên được mở tại Seoul (Hàn Quốc) vào năm 2004 và đến năm 2018 đã có 548 học viện và gần 2.000 phòng học Khổng Tử ở 154 quốc gia, đa số đặt bên trong khuôn viên các trường đại học hoặc tổ chức giáo dục ở nước ngoài.

Viện Khổng Tử - được ví như những cơ sở khác của nước ngoài, như Trung tâm Văn hóa Pháp, Học viện Quốc tế Tây Ban Nha, Hội đồng Anh... - dạy cho sinh viên về ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc thông qua những lớp học và sách giáo khoa do viện này cấp.

Mặc dù Bắc Kinh ra sức tuyên truyền mục tiêu của các Viện Khổng Tử là giảng dạy, đào tạo giáo viên tiếng Trung, tổ chức thi trình độ Hán ngữ, chiếu phim Trung Quốc, tư vấn du học, tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, hữu nghị... nhằm đưa văn hóa Trung Hoa ra thế giới, nhưng có vẻ mục đích chính của nó không hoàn toàn như thế.

Nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản lên tiếng cảnh báo Viện Khổng Tử là nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh nhằm tăng cường sức ảnh hưởng chính trị và gieo thông tin lệch lạc “tẩy não” giới trẻ để can dự vào chính trường nước sở tại. Thụy Điển nhận định rằng Viện Khổng Tử là nơi để chính phủ Trung Quốc tuyên truyền chính trị, trong khi Canada coi việc thành lập Viện Khổng Tử là bước đầu tiên để Trung Quốc thực hiện ý đồ xâm nhập.

Nhiều nhà quan sát cho rằng các lớp học triển khai bởi Viện Khổng Tử chỉ đưa ra một cái nhìn có chọn lọc về cuộc sống của người Trung Quốc và cố tình tránh các chủ đề nhạy cảm như sự kiện Thiên An Môn hay các vấn đề về Tây Tạng, người thiểu số Duy Ngô Nhĩ...

Một nghiên cứu năm 2018 của học giả người Đức Falk Hartig cho thấy 50 Học viện Khổng Tử ở châu Á, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ có "chương trình nghị sự rõ ràng để trình bày một phiên bản chính trị của Trung Quốc".

Đến nay, hàng loạt các trường đại học ở Mỹ, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ và Pháp đã đóng cửa Viện Khổng Tử. Chính phủ Thụy Điển cũng đã ra lệnh đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng hồi tháng 1.

Cuối năm ngoái, Bỉ đã tuyên bố đóng cửa Viện Khổng Tử ở nước này. Tuyên bố được đưa ra sau khi người đứng đầu viện bị Bỉ cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.

Mới đây nhất, cựu Chánh án tối cao Philippines Antonio Carpio hồi cuối tháng 4 đã đề nghị đóng cửa các Viện Khổng Tử chừng nào Trung Quốc còn chưa chấp nhận phán quyết bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo ông Carpio, chừng nào Bắc Kinh còn chưa chấp nhận phán quyết của Tòa án trọng tài năm 2016 vô hiệu hóa yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông thì các Viện Khổng Tử “không được phép hoạt động”.

Hoàng Vũ (theo SCMP)