Báo Úc: Trung Quốc đang chơi chiến thuật tằm ăn dâu trên Biển Đông
Chuyển động - Ngày đăng : 06:22, 21/07/2020
Lịch sử đã cho chúng ta biết, nhiều nước đã tìm cách mở rộng lãnh thổ bằng cách hối lộ, lừa gạt, cưỡng ép và dùng vũ lực. Từ đế chế La Mã hùng mạnh đến Đế quốc Anh chỉ tìm cách thống trị các vùng biển, chẳng nước nào cố chiếm biển hay đại dương làm của riêng. Nhưng nay Trung Quốc đang tích cực làm điều đó khi từng bước biến Biển Đông thành của riêng.
Trung Quốc đang từng bước thiết lập cái yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý trên Biển Đông, vùng biển quan trọng nhất, nơi nhiều quốc gia ven biển trong khu vực có tuyên bố chủ quyền.
Biển Đông có tầm quan trọng được đánh giá rất cao, là một tuyến đường hàng hải quốc tế bận rộn nhất thế giới, một trong những ngư trường lớn nhất, và thềm lục địa có trữ lượng lớn dầu và khí đốt. Không có gì ngạc nhiên khi mọi người đều muốn một phần của nó, nhưng Trung Quốc muốn độc chiếm lấy tất cả Biển Đông bằng mọi giá.
Để tiến hành mưu đồ này, Bắc Kinh luôn bảo đảm rằng không để căng thẳng leo thang đến mức dẫn đến xung đột công khai. Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế khi chiếm giữ trái phép quần đảo Hoàng Sa và các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (đều thuộc chủ quyền Việt Nam) rồi thay đổi chúng thông qua các hoạt động bồi đắp và cải tạo quy mô lớn.
Đến nay, 7 trong số bãi đá ngầm hiện trở thành các pháo đài nhân tạo trên biển và đóng vai trò chiến lược giúp Bắc Kinh có thể triển khai tàu chiến, máy bay chiến đấu và tên lửa nhằm phục vụ cho tham vọng chiếm cả vùng biển, không phận xung quanh và giám sát chặt chẽ tàu thuyền qua lại.
Điều này cho phép Bắc Kinh kiểm soát các nguồn tài nguyên với trữ lượng hải sản, nguồn năng lượng và khoáng sản ở đó. Nó cũng mang lại cho Trung Quốc sức mạnh có thể bóp nghẹt nguồn cung lương thực, nhiên liệu và tăng cường quân sự của các nước láng giềng.
Vào tháng 4, Bộ Dân chính Trung Quốc thể hiện sự ngang ngược khi tự tiện công bố cái gọi là “danh xưng tiêu chuẩn” của hàng chục đảo, bãi cạn trên Biển Đông, bao gồm những thực thể nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Động thái trên diễn ra liền sau khi Trung Quốc ngang nhiên công bố thành lập cái gọi là "quận đảo" Tây Sa và Nam Sa để "quản lý" quần đảo Hoàng Sa và Trường dù không được luật pháp quốc tế công nhận.
Thông qua những hành động gia tăng ảnh hưởng liên tục gần đây ở Biển Đông, trên cả thực địa lẫn giấy tờ hành chính, rõ ràng Trung Quốc đang đẩy mạnh hợp pháp hóa “đường 9 đoạn” phi lý dù bị Tòa Trọng tài thường trực (PCA) vô hiệu hóa hồi năm 2016 và khẳng yêu sách này không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Là một phần trong sự thay đổi chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông khiến Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phản đối.
Đặc biệt, Biển Đông những ngày qua cũng trở nên nóng hơn sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức tuyên bố bác bỏ hàng loạt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này. Nhiều quốc gia, học giả sau đó đã bày tỏ ủng hộ lập trường của Mỹ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi phía Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Mỹ hồi đầu tháng 6 cũng đã gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, khẳng định yêu sách phi lý của Bắc Kinh “không phù hợp với luật pháp quốc tế”. Công hàm lần này được xem là tiếng nói chính thức của Mỹ, tiếp nối các bước đi ngoại giao gần đây của các quốc gia thành viên ASEAN nhằm lên án các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hoàng Vũ (theo News.com.au)