Mỹ đã 50 lần triển khai máy bay đến Biển Đông chỉ trong tháng 7
Chuyển động - Ngày đăng : 14:27, 27/07/2020
"Khoảng 3 đến 5 máy bay trinh sát của quân đội Mỹ được điều tới Biển Đông mỗi ngày. Trong 6 tháng đầu năm 2020, hoạt động trinh sát trên không của Mỹ tại Biển Đông bước vào giai đoạn mới với tần suất cao hơn, khoảng cách tiếp cận gần hơn cùng với nhiều loại nhiệm vụ đa dạng hơn", SCSPI cho biết.
Theo SCSPI, các trinh sát cơ Mỹ đã nhiều lần áp sát hơn mức bình thường bờ biển của Trung Quốc đại lục từ hồi tháng 4. Vào tháng 5, máy bay trinh sát P-8A Poseidon của hải quân Mỹ, áp sát ranh giới 12 hải lý quanh đảo Hải Nam. Ngoài ra, các máy bay E-8C của không quân Mỹ cũng hoạt động cách bờ biển đông nam của tỉnh Quảng Đông 100 hải lý hồi giữa tháng 7 trong 4 đợt triển khai riêng biệt. SCSPI cho biết các máy bay của Mỹ thường tiếp cận bờ biển Trung Quốc trong phạm vi khoảng 50 - 60 hải lý.
Trong 3 tuần của tháng 7, trinh sát cơ của Mỹ đã 50 lần được triển khai trên Biển Đông, trùng thời điểm quân đội hai nước tổ chức tập trận hoặc diễn tập trong khu vực. Vào những ngày cao điểm như hôm 3.7, khi hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz tiến vào khu vực Biển Đông, có tới 8 trinh sát cơ Mỹ hoạt động gần bờ biển Trung Quốc, bao gồm P-8A, EP-3E, RC-135W và máy bay tiếp liệu KC-135.
Giám đốc SCSPI, Hu Bo cho biết các máy bay Mỹ hoạt động tại Biển Đông làm nhiệm vụ tuần tra chống ngầm, thu thập tín hiệu liên lạc, phát hiện tần số radar và một số thông tin khác. Theo ông Hu, với việc quân đội Trung Quốc (PLA) cũng tập trận tại Biển Đông hồi đầu tháng này, máy bay trinh sát Mỹ có thể đang thu thập dữ liệu về thiết bị điện tử của PLA. Nhà phân tích người Trung Quốc nhận định rằng các hoạt động quân sự ngày càng tăng của Mỹ đã trở thành nguy cơ lớn và tiềm ẩn xung đột với Trung Quốc.
Nhà bình luận quân sự tại Hồng Kông Song Zhongping cho biết PLA được cho là sẽ điều các máy bay chiến đấu ra để ngăn chặn và trục xuất máy bay Mỹ trong mọi nhiệm vụ trinh sát.
Trung Quốc trong những năm gần đây đã không ngừng khai thác và quân sự hóa các rạn san hô ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng gia tăng sự hiện diện của các máy bay và tàu quân sự trên tuyến đường biển chiến lược mà Trung Quốc tự coi là lãnh thổ của mình, mặc dù phán quyết của Tòa án Trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa yêu sách phi lý này vào năm 2016.
Là một phần trong sự thay đổi chiến lược nhằm ngăn chặn Trung Quốc, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã tăng cường các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông khiến Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng phản đối. Mỹ hiện đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh trong bối cảnh quan hệ 2 nước tiếp tục xấu đi vì hàng loạt vấn đề, từ tranh chấp thương mại, đại dịch COVID-19 đến Hồng Kông và Biển Đông.
Mỹ hồi đầu tháng 6 cũng đã gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, khẳng định yêu sách phi lý của Bắc Kinh “không phù hợp với luật pháp quốc tế”. Công hàm lần này được xem là tiếng nói chính thức của Mỹ, tiếp nối các bước đi ngoại giao gần đây của các quốc gia thành viên ASEAN nhằm lên án các hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đặc biệt, Biển Đông những ngày qua cũng trở nên nóng hơn sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức tuyên bố bác bỏ hàng loạt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này. Nhiều quốc gia, học giả sau đó đã bày tỏ ủng hộ lập trường của Mỹ đối với các yêu sách biển ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi phía Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực.
Trên mạng xã hội Twitter hôm 25.7, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ một lần nữa nhấn mạnh chính sách của Mỹ là “rất rõ ràng và biển Đông không phải là đế chế hàng hải của Trung Quốc”. "Nếu Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế và các nước tự do không làm gì cả, lịch sử cho thấy Trung Quốc đơn giản sẽ chiếm thêm lãnh thổ. Tranh chấp biển Đông phải được giải quyết thông qua luật pháp quốc tế", ông Pompeo cho hay.
Hoàng Vũ (theo SCMP)