Trung Quốc buộc phải lựa chọn, hoặc doanh nghiệp trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:40, 27/04/2016
Cuộc họp theo dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 26 - 27.4 để bàn về việc nâng lãi suất đồng USD của cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang thực sự trở thành một sự kiện làm trầm trọng thêm các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc. Bất chấp việc khá nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán FED sẽ không nâng lãi suất ngay trong tháng 4 này mà sẽ dời sang tháng 6 tới, thì mức độ rủi ro vẫn là rất cao với Trung Quốc.
Một ngày trước khi diễn ra cuộc họp của FED, Trung Quốc đã phải tung ra gói hỗ trợ thanh khoản mới cho hệ thống ngân hàng trị giá 180 tỉ nhân dân tệ (tương đương 27,6 tỉ USD). Tuy nhiên, hành động có ý nghĩa cứu trợ hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp nước này lại đang khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc nhiều hơn bao giờ hết. Đã đến lúc Trung Quốc đứng trước sự lựa chọn đầy khó khăn: hoặc DN trong nước, hoặc nhà đầu tư nước ngoài.
Dễ hiểu lý do vì sao Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) lại tung ra gói hỗ trợ thanh khoản trị gá 27,6 tỉ USD cho hệ thống ngân hàng nước này chỉ một ngày trước khi diễn ra cuộc họp bàn về việc nâng lãi suất đồng USD của FED. Nếu FED nâng lãi suất ngay trong tháng 4 này, thì đó sẽ là một sức ép lớn đối với hệ thống thanh khoản của các ngân hàng Trung Quốc. Đồng USD tăng giá đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ ngay lập tức bán nhân dân tệ để mua vào USD để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của mình. Và thậm chí sẽ có nhiều công ty sẽ phải tiến hành vay tiền ngân hàng để thanh toán cho khoản nợ mới bị đội lên đáng kể do đồng USD tăng giá của mình. Điều này sẽ khiến cho hệ thống thanh khoản của Trung Quốc gặp áp lực nghiêm trọng. Vì thế dù khả năng FED nâng lãi suất lần này được xem là không lớn, thì PBOC vẫn phải đưa ra gói hỗ trợ thanh khoản mới để đề phòng rủi ro. Xác suất xảy ra nguy cơ dù nhỏ nhưng vẫn chưa về 0% thì vẫn cần đề phòng.
Việc PBOC tung ra gói hỗ trợ thanh khoản có trị giá khá lớn lần này cũng đang hé mở cho chúng ta thấy được phần nào vấn đề nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Các gói hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng được Chính phủ Trung Quốc tung ra với tần suất khá cao thời gian gần đây. Lần gần nhất PBOC tung ra gói hỗ trợ thanh khoản là vào ngày 1.4.2016 có trị giá 100 tỉ nhân dân tệ (tương đương 15,4 tỉ USD). Liên tiếp tung ra các gói hỗ trợ thanh khoản như thế đang cho thấy tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đang tăng lên đáng kể, làm giảm khả năng thanh toán và buộc Chính phủ phải can thiệp nếu như muốn nền kinh tế vẫn vận hành bình thường.
Đây là điều dễ hiểu khi mà mức độ mở rộng tín dụng của kinh tế Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm nay đạt mức kỷ lục là 2.340 tỉ nhân dân tệ trong khi mức được dự báo chỉ là 1.400 tỉ nhân dân tệ mà thôi. Nói cách khác, để đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình khá cao trong ba tháng đầu năm là 6,7% thì cái giá mà Trung Quốc phải trả là bơm nhiều tiền hơn vào nền kinh tế (gần gấp đôi mức dự kiến) thông qua các khoản vay. Mà tăng số lượng và tỷ trọng các khoản vay thì đồng nghĩa với việc nợ xấu tăng lên, do khá nhiều công ty Trung Quốc đang gặp khó khăn vì kinh tế giảm tốc, và không phải công ty nào cũng có đủ khả năng tài chính để thanh toán nợ. Nếu không thì Bắc Kinh đã không ra quy định cho phép các công ty quy đổi những khoản nợ ngân hàng của họ ra cổ phiếu.
Chính sách hỗ trợ cả về vay vốn lẫn hỗ trợ thanh khoản này là hướng đến hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước (dù cái giá phải trả cũng đang khá lớn), nhưng trớ trêu là nó lại đang thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài rời khỏi thị trường Trung Quốc nhanh hơn. Theo tính toán của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) thì số tiền mà các nhà đầu tư sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc trong năm 2016 có thể sẽ đạt mức 538 tỉ USD, và dù đã giảm khoảng 20% so với mức 674 tỉ USD của năm 2015 thì đó vẫn là một con số quá lớn, nếu chúng ta xét đến việc tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc trong năm 2015 chỉ đạt 56,6 tỉ USD.
Một phần trong con số 538 tỉ USD sẽ rời thị trường Trung Quốc trong năm nay sẽ vẫn đến từ việc các lợi thế như nhân công giá rẻ của nước này đã kết thúc; tuy nhiên một phần lớn sẽ đến từ việc tỷ giá đồng nhân dân tệ biến động mạnh trong năm nay. Vì hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài chỉ tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ của Trung Quốc đã rời khỏi nước này từ trước năm 2015. Các công ty còn ở lại ít phụ thuộc vào vấn đề giá nhân công mà thay vào đó hướng đến các lợi ích về tài chính, thương mại và công nghệ. Tuy nhiên, tỷ giá nhân dân tệ lại giữ một vai trò lớn đối với các doanh nghiệp FDI không phụ thuộc vào giá nhân công này. IIF cho biết “sự sụt giảm mạnh tỷ giá nhân dân tệ có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc tái bán tháo các tài sản rủi ro toàn cầu và kích hoạt một cuộc di chuyển vốn trong các danh mục đầu tư từ Trung Quốc sang các thị trường mới nổi khác”.
Theo tính toán của IIF, số vốn rút ra khỏi Trung Quốc trong tháng 3 vừa qua đạt khoảng 35 tỉ USD, khiến cho tổng số vốn rút khỏi nước này trong ba tháng đầu năm đạt khoảng 175 tỉ USD. Tuy nhiên nó sẽ gia tăng khá mạnh trong thời gian tới, khi khả năng FED nâng lãi suất trong mùa hè năm nay là khá lớn. Để đối phó với vấn đề tăng nợ xấu, đồng thời giúp tăng thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và nhất là đối phó với việc FED nâng lãi suất, Trung Quốc sẽ phải bơm tiền vào hệ thống ngân hàng và nền kinh tế nhiều hơn. Điều này thì sẽ kéo tỷ giá nhân dân tệ giảm xuống.
Một cú tăng lãi suất của FED có thể tạo ra một cú sụt giá của nhân dân tệ khá lớn, và Trung Quốc thì muốn tránh cú sốc ấy bằng cách bơm tiền một cách từ từ. Tuy nhiên, về bản chất thì nó vẫn không thay đổi, tỷ giá nhân dân tệ qua tổng cộng các lần bơm tiền của PBOC sẽ vẫn sụt giảm một mức tương ứng. Và điều này thì chắc chắn sẽ thúc đẩy làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc diễn ra nhanh hơn. Đó chắc chắn là một sự lựa chọn đầy cay đắng, nhưng đó là cái giá mà Trung Quốc phải trả cho ba thập niên phát triển nóng của mình.
Nhàn Đàm (theo Reuters/CafeF)