Kinh tế Nga đang hồi sinh nhưng còn lâu mới hồi phục
Góc nhìn - Ngày đăng : 15:15, 08/06/2016
Nửa sau của năm 2016 là thời điểm mà nền kinh tế thế giới có thể sẽ được chứng kiến sự quay trở lại của một nền kinh tế lớn, đó là Nga. Theo dự kiến của Bộ Kinh tế Nga thì nước này sẽ chính thức thoát khỏi mức tăng trưởng âm trong một năm qua kể từ tháng Tám tới đây, cụ thể khi đó Nga sẽ đạt mức tăng trưởng là 0% từ mức -0,7% vào tháng Tư năm nay.
Kinh tế Nga đang trên đà hồi sinh, khi nó sắp thoát khỏi mức tăng trưởng âm, nhưng con đường dẫn tới một sự hồi phục hoàn toàn như trước khi diễn ra cuộc khủng hoảng vào cuối năm 2014, có lẽ sẽ còn rất dài.
Theo bộ trưởng Bộ Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev thì nước này sẽ chính thức đạt được mức tăng trưởng 0% vào tháng Tám tới đây, đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm 2016 sẽ đạt mức -0,2%. Và nếu đà tăng trưởng này được giữ vững thì tốc độ tăng trưởng của Nga trong năm 2014 có thể sẽ đạt mức 1%, gần xấp xỉ với mức tăng trưởng 1,3% của năm 2013.
Sự hồi sinh nhanh hơn dự đoán của kinh tế Nga thời điểm hiện tại là kết quả của một loạt những động thái tích cực mà xứ sở bạch dương nhận được trong thời gian qua. Trước hết là việc nối lại quan hệ kinh tế thương mại với Nhật Bản khi thủ tướng Nhật Shinzo Abe có chuyến công du đến Moscow.
Việc có một đồng minh của Mỹ là Nhật đã nối lại quan hệ kinh tế với Nga đã mở ra triển vọng các nền kinh tế là đồng minh của Mỹ và cũng tham gia chiến dịch trừng phạt kinh tế với Nga thời gian qua cũng dần có dấu hiệu xích lại gần N
Các lệnh trừng phạt kinh tế của EU với Nga cũng đang có xu hướng giảm nhẹ về mức độ một cách đáng kể, dù có thể nó sẽ được gia hạn thêm 3 hoặc 6 tháng nữa.
Nhưng đáng kể nhất trong số các sự kiện tích cực mà Nga nhận được trong thời gian qua phải kể đến việc giá dầu tăng mạnh trên thị trường thế giới. Tính đến cuối tuần trước, giá dầu đã tăng gần 80% kể từ thời điểm chạm đáy vào giữa tháng 1.2016 để chạm mốc 50 USD/thùng.
Đây thực sự là một món quà quý hơn vàng với kinh tế Nga, khi mà vào đầu tháng Tư bộ Kinh tế Nga đã đưa ra dự toán kinh tế trong đó đặt trên cơ sở tính toán là giá dầu ở mức 40 USD/thùng, tại thời điểm đó thì đây là một sự lạc quan hơi quá khi mà kể từ đầu năm 2016 giá dầu chỉ lên cao nhất là khoảng 35 USD/thùng, nhưng giờ đây giá dầu đã chạm mức 50 USD/thùng và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Việc giá dầu tăng mạnh đang rót thêm tiền vào hầu bao của Nga, theo thống kê trong 4 tháng đầu năm quỹ dự trữ ngoại tệ của Nga đã tăng thêm 20 tỷ USD bất kể giá dầu tương đối thấp ở dưới mức 35 USD/thùng. Vì thế khi giá dầu lên đến 50 USD/thùng thì dòng tiền chảy vào túi Nga sẽ còn tăng hơn nhiều.
Việc Nga vừa mới có một đợt phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 1,75 tỷ USD cho thấy, niềm tin của giới đầu tư toàn cầu vào sự tăng trưởng trở lại của kinh tế Nga là rất lớn.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là kinh tế Nga sẽ nhanh chóng hồi phục để có thể quay trở lại mức tăng trưởng trước năm 2014. Theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng kinh tế Nga có thể quay trở lại sự thịnh vượng trước thời điểm đầu năm 2014 là không nhiều, dù các điều kiện phát triển đang dần quay trở lại với nước này.
Cụ thể, sự thịnh vượng của kinh tế Nga từ đầu năm 2014 trở về trước – trước thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra do Nga bị phương Tây cấm vận vì sáp nhập bán đảo Crimea – đến từ mối quan hệ kinh tế thương mại với các nước phương Tây và nhất là giá dầu.
Giá dầu trước thời điểm đầu năm 2014 đang trong giai đoạn đạt đỉnh, có lúc lên đến hơn 100 USD/thùng. Nhưng giờ đây giá dầu đang sụt giảm mạnh, và theo tính toán thì cố gắng lắm nó cũng chỉ có thể đạt mốc 65 USD/thùng ở thời điểm hiện tại mà thôi. Khả năng giá dầu vượt mốc 65 USD/thùng là điều không tưởng, khi mà ở mức 65 USD nó có thể kích hoạt sự tái sản xuất quy mô lớn của các công ty dầu đá phiến Mỹ, đồng nghĩa với việc đẩy giá dầu thấp trở lại do dư thừa nguồn cung.
Nói cách khác, một trong hai trụ cột chính tạo nên sự thịnh vượng cho kinh tế Nga trước năm 2014 là giá dầu sẽ gần như không thể quay trở lại mức giá cao như thế thêm một lần nữa. Trong khi đó trụ cột còn lại là quan hệ kinh tế thương mại với các nước phương Tây vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, kể cả khi Nga có nối lại quan hệ thương mại với Nhật Bản hay EU, thì cũng rất khó khăn để Nga có thể làm điều tương tự với kinh tế Mỹ - quốc gia vẫn đang phản đối quyết liệt việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Ngoài ra, bản thân kinh tế Nga cũng đang bị mắc kẹt trong một tình thế không dễ dàng có thể tháo gỡ. Kinh tế Nga đang gặp nhiều khó khăn hơn và suy giảm tăng trưởng khá mạnh, nhưng những nhu cầu chi tiêu thì lại đang ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng.
Theo thống kê, mức gia tăng chi tiêu quốc phòng từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay của Nga đã tăng 15% so với cùng kỳ 2015; và mức chi tiêu quốc phòng của Nga hiện tại đã tăng 75% kể từ năm 2010, trong khi mức tăng trưởng của kinh tế Nga trong giai đoạn này chỉ đạt 5,4%.
Ở thời điểm hiện tại, mức chi tiêu cho quốc phòng đang chiếm 4,6% GDP của Nga và là mức cao nhất trong toàn bộ nhiệm kỳ của tổng thống Vladimir Putin từ trước đến nay.
Việc chi tiêu quá nhiều cho quốc phòng đang trở thành một gánh nặng thực sự với kinh tế Nga, cả hai kế hoạch đưa kinh tế Nga thoát khỏi suy thoái được đề xuất bởi cựu bộ trưởng tài chính Alexei Kudrin và một thành viên của câu lạc bộ tài chính Stolypin đều không đề cập đến việc cắt giảm khoản chi cho quốc phòng theo lệnh của ông Putin.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg/CafeF)