Hậu Brexit: một góc nhìn khác về nước Anh và châu Âu
Góc nhìn - Ngày đăng : 10:22, 19/07/2016
Cơn bão có vẻ như đã qua đi, khi thị trường tài chính đã dần ổn định trở lại, nước Anh đã có thủ tướng mới và sắp tới là nội các mới, còn người dân Anh thì hiểu rằng cánh cửa để nước Anh quay trở lại với EU đã chính thức khép lại.
Trước mắt cả nước Anh và EU giờ đây chỉ còn một con đường: tiến về phía trước mà không có nhau ở bên cạnh như trước. Và khi những sự hoảng loạn và sợ hãi ban đầu sau sự chia ly đã trôi qua, thì cũng là lúc cả nước Anh lẫn EU cùng nhìn lại sự kiện đã chia cắt họ vừa diễn ra, dĩ nhiên là với một góc nhìn khác. Và góc nhìn mới này cũng không quá ảm đạm như người ta vẫn nghĩ.
Cần xét đoán công bằng hơn với David Cameron
Chắc chắn là, người bị trách móc nhiều nhất trong sự kiện nước Anh rời khỏi EU vừa qua không ai khác ngoài cựu thủ tướng Anh David Cameron. Nếu có một bộ phim trong đó nhân vật phản diện bị cả thế giới căm ghét thì vai diễn đó có lẽ cũng không bị ác cảm hơn vị cựu thủ tướng Anh.
Trong suốt gần một tháng qua kể từ ngày bỏ phiếu trưng cầu dân ý hôm 23.6, ông Cameron trở thành tội đồ không chỉ của cả nước Anh, mà còn của cả EU nữa. Những người dân Anh phản đối Brexit dĩ nhiên là ghét Cameron khi chính lời hứa khi vận động tranh cử của vị thủ tướng này đã mở đường cho cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý.
Với người dân và lãnh đạo châu Âu thì ông Cameron là vị thủ tướng kém cỏi, là nguyên nhân gây ra sự chia cắt giữa Anh và EU, thậm chí có thể khiến EU tan rã hoàn toàn do sự ra đi của nước Anh. Điều trớ trêu là ngay cả những người dân Anh ủng hộ Brexit cũng không có mấy thiện cảm với ông Cameron – vị thủ tướng đầu tiên chấp thuận cho tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để nước Anh có thể rời khỏi EU.
Với những người này, ông Cameron là một thủ tướng nhu nhược, ủng hộ phương án ở lại EU nhưng lại sẵn sàng chấp thuận cho tổ chức trưng cầu dân ý như một cách thức để giành được sự ủng hộ từ những người đối lập.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại tình hình nước Anh sau khi Brexit diễn ra, thì có lẽ cũng không thể trách được ông Cameron. Bất bình với EU về nhiều phương diện đã trở thành một tình trạng ngày càng lan rộng trong xã hội Anh, mà kết quả cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý với 52% người bỏ phiếu ủng hộ là một dẫn chứng điển hình.
Với sự chia rẽ sâu sắc đó trong xã hội Anh về vấn đề ở lại hay rời khỏi EU, thì một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý sớm muộn cũng sẽ xảy ra, và ông Cameron với bản năng của một người làm chính trị, chỉ đẩy nhanh xu hướng đó bằng một lời hứa tổ chức trưng cầu dân ý nếu như ông tiếp tục được nắm giữ cương vị thủ tướng Anh mà thôi.
Và nếu nhìn lại khoảng thời gian ông Cameron nắm giữ cương vị thủ tướng Anh, thì mọi thứ có lẽ cũng không tệ. Lịch sử ngoài việc ghi nhận ông Cameron là người đã khiến nước Anh rời khỏi EU, cũng sẽ ghi nhận ông như một vị thủ tướng không tồi. Dưới nhiệm kỳ thủ tướng của ông Cameron, kinh tế Anh đã có sự hồi phục và tăng trưởng tốt hơn nhiều so với phần còn lại của EU, kể cả Đức. Và thành tựu đó được chính quốc hội Anh ghi nhận bằng việc ông Cameron tái đắc cử chức thủ tướng với đa số sự ủng hộ ở nghị viện.
Trong cơn hoảng loạn vì sự sụt giá kỷ lục của đồng bảng, sự hỗn loạn sau sự ra đi của Anh khỏi EU, người ta trút hết mọi giận dữ và oán trách lên đầu ông Cameron; nhưng nếu như sự ra đi này mở ra sự khởi đầu mới cho cả Anh lẫn EU, trong đó mọi thứ sẽ dần trở nên tốt hơn, thì những đánh giá về vị cựu thủ tướng Anh có lẽ sẽ khác đi rất nhiều.
EU sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi không có Anh
Điều gì không giết được chúng ta sẽ khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn. Nguyên lý này dường như đang đúng với chính Liên minh châu Âu, khi sự ra đi của nước Anh đang được xem là tiền đề cho hàng loạt những cải cách sâu rộng nhất từ trước đến nay trong nội bộ EU.
Một EU khi không còn Anh về tổng thể sẽ suy yếu về hầu hết các mặt, từ chính trị, quân sự cho đến kinh tế và thương mại; và để tồn tại EU buộc phải tiến hành cải cách để tăng cường sức sống của mình.
Một loạt các đề xuất cải cách đã được các nhà lãnh đạo hàng đầu EU đưa ra sau Brexit: thiết lập một nghị viện chung, một chính phủ liên minh chung, một quân đội chung, vv... Nếu tất cả những đề xuất này được thực thi, EU sẽ tiến một bước dài đến mục tiêu mà khối này chờ đợi, đó là mô hình siêu liên bang trong đó mỗi quốc gia thành viên lại là một bang của toàn thể liên minh, và một siêu quốc gia hợp chủng quốc có quy mô lớn hơn Mỹ có thể sẽ chính thức ra đời.
Thực tế là, dù về quy mô EU là nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những năm qua, khi 4 trong số 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới là thuộc liên minh; nhưng về mọi phương diện trong nền kinh tế, EU thua kém khá xa so với Mỹ hoặc Nhật Bản: vốn sở hữu công cộng và tư nhân, phát hành trái phiếu các công ty vừa và nhỏ, tính minh bạch của các doanh nghiệp và nhất là nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Sự ra đi của Anh – vốn là một trong ba nền kinh tế lớn nhất và lành mạnh nhất EU, đang khiến những vấn đề trong hệ thống kinh tế của EU trở nên trầm trọng hơn. Điển hình trong đó là nợ xấu của hệ thống ngân hàng, khi Italia đang có nguy cơ trở thành một Hy Lạp thứ hai chỉ có điều là với quy mô lớn hơn rất nhiều lần. Nếu hệ thống ngân hàng Italia sụp đổ, hệ thống ngân hàng EU chắc chắn cũng sẽ sụp đổ theo, và khi đó sẽ không còn gì có thể cứu vãn được một sự tan vỡ hoàn toàn của Liên minh châu Âu.
Đó là lý do vì sao ngày càng có nhiều các nhà lãnh đạo EU đồng thuận trong việc tỏ ý muốn thủ tục Anh rời khỏi EU diễn ra càng nhanh càng tốt thay vì trong vòng 2 năm như dự kiến. Là vì ngày càng có nhiều lãnh đạo EU coi việc Anh rời khỏi EU là một cơ hội để Liên minh châu Âu tiến hành cải cách trên mọi phương diện, từ chủ tịch ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, chủ tịch nghị viện châu Âu Donald Tusk cho đến thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Francois Hollande.
Theo thời gian, khi mối quan hệ kinh tế thương mại với nước Anh được làm mới lại, trong khi nền kinh tế EU đã trở nên hoạt động hiệu quả hơn, thì Brexit khi đó sẽ không được xem là một thảm kịch nữa, mà sẽ là món quà dành cho cả nước Anh lẫn EU.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)