Người Mỹ cảnh báo Anh đừng dại dột mà rời khỏi EU

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 22/06/2016

Tỷ phú Mỹ George Soros đang cứu nước Anh? Thoạt nghe thì điều này có vẻ kỳ cục, khi vị tỷ phú đầu cơ người Mỹ này được xem là một trong những nhân vật bị ghét nhất ở Anh, nếu không phải đối với toàn bộ người dân Anh thì ít nhất cũng là với giới tài chính ở đảo quốc sương mù.
Đang có phong trào vận động Anh ở lại EU

Vào năm 1992, George Soros được xem là chính là người đã đứng sau kế hoạch đánh sập ngân hàng Anh quốc, khi vị tỷ phú đầu cơ này đã dẫn đầu cuộc bán tháo khiến đồng bảng Anh mất giá mạnh (khoảng 15%) và khiến nước Anh thiệt hại nặng khoảng 3,4 tỷ bảng. Soros trở nên nổi tiếng sau phi vụ động trời đó, nhưng cũng đồng thời trở thành một kẻ tội đồ với nước Anh. Nhưng có vẻ như khi đã ở tuổi 85, có vẻ như vị tỷ phú đầu cơ có nhiều ân oán này đang muốn thực hiện một hành động mang tính chuộc lỗi, ít nhất là với nước Anh, bằng cách cảnh báo: “Brexit sẽ còn gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều cho nước Anh so với những gì tôi đã làm”.

Quả thực là George Soros đang muốn tránh cho nước Anh rơi vào một kịch bản tồi tệ khi nước này đang đứng trước sự kiện lịch sử là cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU, vẫn được biết đến với cái tên Brexit. Tuy nhiên, cách làm của vị tỷ phú đầu cơ này cũng đang không giống ai, khi ông đưa ra một tuyên bố gây sốc nhưng cũng được đánh giá là sẽ mang lại hiệu quả rất lớn: “Brexit sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều so với những gì tôi đã làm với nước Anh”. Dụng ý của vị tỷ phú đầu cơ rất rõ ràng: nước Anh đừng dại dột mà rời khỏi EU – một lời khuyên đã đặt lợi ích của Anh quốc lên cao nhất, một điều được xem là khá hiếm thấy đối với một nhân vật ít khi đưa ra lời chỉ dẫn tốt lành một cách cặn kẽ nào cho bất cứ quốc gia nào.

Đúng là chỉ có duy nhất Soros là đủ tư cách để đưa ra lời khuyên đó, khi ông này chính là người đã gây ra sự tàn phá đáng kể đối với nền kinh tế Anh cách đây 24 năm, khi George Soros chính là người đã dẫn đầu cuộc bán tháo đồng bảng Anh khiến Ngân hàng Anh thiệt hại tới 3,4 tỷ USD và hàng loạt các hậu quả phát sinh sau đó với đảo quốc sương mù. Dù rất ghét Soros nhưng chính người Anh cũng không thể phủ nhận một thực tế, đó là: Soros là một trong những người am hiểu nhất về nền kinh tế nước Anh; và vì thế lời khuyên của vị tỷ phú này về những hậu quả khủng khiếp mà Brexit có thể đem lại cho kinh tế Anh rõ ràng không phải là một lời nói đùa.

Cụ thể, vị tỷ phú đầu cơ Mỹ này cho rằng: cuộc bán tháo của ông năm 1992 chỉ khiến đồng bảng Anh sụt giá 15%, còn Brexit nếu diễn ra thì đồng bảng Anh chắc chắn cũng sẽ sụt giá ít nhất là từng ấy, thậm chí còn có thể sụt giả lên tới trên 20%, từ mức 1 bảng đổi lấy 1,46 USD hiện nay xuống còn 1 bảng đổi lấy 1,15 USD – một mức sụt giảm khủng khiếp có thể gây ra thiệt hại gấp nhiều lần so với những gì Soros đã làm năm 1992. Soros cho rằng, “giá trị của đồng bảng Anh sẽ giảm chóng mặt, nó chắc chắn sẽ tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến thị trường tài chính, đầu tư, giá cả và việc làm”.

Không những thiệt hại mà nền kinh tế và tài chính Anh phải gánh chịu nếu Brexit diễn ra sẽ lớn hơn cuộc khủng hoảng do Soros gây ra năm 1992, mà theo vị tỷ phú đầu cơ này, khả năng các nhà lãnh đạo nền kinh tế Anh có thể cải thiện tình hình sẽ còn thấp hơn năm 1992 rất nhiều. Cụ thể, đầu tiên là việc năm 1992 Ngân hàng Anh có khả năng cắt giảm lãi suất sau khi đồng bảng bị phá giá để kích thích phục hồi nền kinh tế, nhưng ở thời điểm hiện tại thì không. Mức lãi suất ở Anh hiện nay cũng đã ở mức rất thấp rồi: 0,5% - và Ngân hàng Anh sẽ không thể cắt giảm lãi suất thêm nữa để cải thiện tình hình. Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế Anh chắc chắn sẽ rơi vào một cú sốc thực sự trong khi các liều thuốc giải cứu lại đang ở trong tình trạng vô tác dụng.

Vấn đề thứ hai, thâm hụt tài khoản vãng lai ở Anh hiện nay đã lớn hơn rất nhiều so với năm 1992, nếu như sau sự kiện đồng bảng phá giá năm 1992 thì lập tức dòng vốn chảy vào đã tăng mạnh, thì giờ đây nếu Brexit diễn ra nó sẽ đi theo chiều ngược lại, đó là dóng vốn sẽ chảy hết ra ngoài. Đó là một hệ quả tất yếu của việc nước Anh rời khỏi EU, vì năm 1992 thì sự khác biệt rõ ràng ở điểm đó là Anh vẫn đang là một thành viên của liên minh châu Âu. Và thứ ba, việc phá giá đồng bảng Anh như đã làm năm 1992 không thể kích thích xuất khẩu hàng hóa như thời điểm đó, vì nhu cầu của thị trường thế giới đang suy giảm mạnh, trong khi các ngành sản xuất của Anh sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng sau Brexit do các vấn đề như nhân công, đầu tư và mở rộng sản xuất.

Trong một động thái mới nhất, 10 nhà kinh tế học đã đoạt giải Nobel kinh tế trên thế giới đã cùng ký vào một lá thư gửi tới tờ Guardian của Anh để cảnh báo những hậu quả của việc nước Anh rời khỏi EU như một động thái ủng hộ nước Anh ở lại. Tuy nhiên, nếu so sánh bức thư này với những lời cảnh báo của George Soros – người chưa từng nhận được giải Nobel kinh tế bao giờ, thì chắc chắn là những lời khuyên của vị tỷ phú đầu cơ có trọng lượng lớn hơn hẳn. Lẽ dĩ nhiên, Soros vẫn đang giữ kỷ lục là người tàn phá nền kinh tế Anh lớn nhất trong lịch sử, và vì thế những cảnh báo về những tai họa do Brexit đem lại cho kinh tế Anh của Soros rõ ràng là rất đáng nghe, nhất là khi Soros chẳng có lợi ích nào từ việc cảnh báo đó cả. Khi Soros nói về những tai họa mà một nền kinh tế có thể phải gánh chịu, nhất là với nền kinh tế mà chính vị tỷ phú đầu cơ này đã từng tàn phá ít nhất là một lần, thì rõ ràng là không thể xem thường.

Không khó để nhận ra dụng ý thực sự của George Soros đằng sau những lời khuyên này, đó là những lời khuyên mang dụng ý tốt dành cho nước Anh – đất nước từng bị ông tàn phá nền kinh tế cách đây 24 năm. Dĩ nhiên là việc nước Anh rời EU có thể khiến nền kinh tế châu Âu và thế giới xáo trộn, qua đó ảnh hưởng đến việc làm ăn của Soros, nhưng rõ ràng là những lời chỉ dẫn cặn kẽ này của vị tỷ phú đầu cơ trước hết là muốn tránh cho nước Anh khỏi một tai họa lớn. Đó có vẻ như là cách mà George Soros đang muốn sử dụng để cứu nước Anh, bằng một cách độc nhất vô nhị: nhắc lại những ký ức tồi tệ mà chính ông đã gây ra cho nền kinh tế Anh trong quá khứ.

Nhàn Đàm (theo Reuters, BusinessInsider/CafeF)