Quyết định của nước Anh có thể là thảm họa toàn cầu trong thế kỷ 21?

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:36, 15/06/2016

Những nhận định mới nhất của các chuyên gia đang cho thấy, Brexit hoàn toàn có thể trở thành một thảm họa toàn cầu xảy ra trong thế kỷ 21, ngang hàng với những thảm họa khác như vụ khủng bố 11.9.2001 ở Mỹ hay cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009.

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa sẽ diễn ra sự kiện được đánh giá là có tầm quan trọng mang tính quyết định đối với kinh tế thế giới nói riêng và tình hình toàn cầu nói chung trong thế kỷ 21, đó là cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Anh diễn ra vào ngày 23.6 tới về việc nước này có nên rời khỏi Liên minh châu Âu (còn được biết tới với cái tên Brexit) hay không. Từ chỗ có vẻ như chỉ là một cuộc chia tách thông thường ra khỏi một liên minh không quá chặt chẽ như EU, nhưng dường như tầm quan trọng của Brexit đang trở nên lớn hơn so với dự đoán của rất nhiều người. Những nhận định mới nhất của các chuyên gia cho thấy, Brexit hoàn toàn có thể trở thành một thảm họa toàn cầu tiếp theo xảy ra trong thế kỷ 21, ngang hàng với những thảm họa khác như vụ khủng bố 11.9.2001 ở Mỹ hay cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009.

Những động thái mới nhất của hệ thống tài chính toàn cầu đang cho thấy Brexit hoàn toàn có thể gây ra những tác động khủng khiếp. Theo đó, khi mà chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở Anh sẽ diễn ra, thì hệ thống các ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đã đồng ý thiết lập và kích hoạt lại đường dây kết nối trao đổi tài chính với nhau để tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra trong trường hợp cuộc bỏ phiếu có kết quả, trong đó nước Anh sẽ chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu.

Cụ thể, các tổ chức tài chính và ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới đã chính thức đồng thuận việc thiết lập lại hệ thống trao đổi tài chính lẫn nhau, bao gồm: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ), Ngân hàng Anh (BOA), Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ (SNB), Ngân hàng trung ương Canada (BOC). Trong đó, một đường dây trao đổi tài chính thường xuyên giữa các ngân hàng này sẽ được thiết lập với mức độ được xem là không giới hạn để tránh tình trạng rối loạn trên thị trường tài chính toàn cầu nếu Anh rời EU. Nếu Brexit diễn ra có thể sẽ kích hoạt một cuộc di chuyển tiền mặt khổng lồ từ các thị trường lớn trên thế giới về Anh và ngược lại, động thái này một khi xảy ra có thể sẽ dẫn đến sự tê liệt của thị trường tài chính và ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, trong đó đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các doanh nghiệp khi các động thái vay vốn sẽ bị đình trệ trong một thời gian không thể xác định.

Khi hệ thống trao đổi tài chính này được thiết lập, thì các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới có thể ngay lập tức vay mượn tiền tệ từ các ngân hàng trung ương khác nếu có nhu cầu theo tỷ giá hiện hành, nhưng với một lãi suất lớn hơn một chút so với thông thường. Đồng tiền được trao đổi chủ yếu trong hệ thống này là đồng USD, khi các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới có thể hỏi vay FED nếu rơi vào tình trạng thiếu hụt đồng bạc xanh trên thị trường do Brexit xảy ra. Con số trao đổi này có thể vọt lên mức rất cao, chẳng hạn như tổng trị giá giao dịch hoán đổi đồng USD giữa FED và các ngân hàng trung ương trên thế giới trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009 đã lên tới hơn 500 tỉ USD.

Đây là lần thứ ba hệ thống trao đổi tiền tệ giữa các tổ chức tài chính và ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới được thiết lập để ứng phó với những nguy cơ khủng hoảng. Hai lần trước đó là khi vụ khủng bố tòa tháp đôi trung tâm thương mại thế giới tại Mỹ ngày 11.9.2001 và cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thời điểm 2008-2009. Cả hai sự kiện trên đều được xem là những thảm kịch lớn nhất diễn ra trong thế kỷ 21, và gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường tài chính và nền kinh tế thế giới.

Với việc thiết lập hệ thống trao đổi tiền tệ giữa các tổ chức tài chính và ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới lần này, thì các nhà kinh tế và hệ thống tài chính thế giới đều cho rằng Brexit nếu xảy ra hoàn toàn có thể là một thảm họa tiếp theo xảy ra trong thế kỷ 21 với nền kinh tế toàn cầu. Đã có không ít các công trình nghiên cứu và đánh giá những tác động của Brexit nếu nó xảy ra với nền kinh tế thế giới, đó sẽ là một cuộc chia tách khổng lồ, khiến xảy ra những xáo trộn khủng khiếp đối với hệ thống tài chính, sự luân chuyển của tiền tệ và sự thay đổi phân bố công việc không chỉ ở châu Âu mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Cụ thể hơn, thì hàng trăm ngàn người sẽ mất việc làm (riêng Anh có thể mất 400.000 việc làm chỉ trong 2 năm sau khi rời EU, theo đánh giá của Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne), một con số nhiều hơn sẽ phải thay đổi nơi sinh sống và làm việc. Lợi nhuận của các ngân hàng, các doanh nghiệp tại Anh, tại EU và cả tại Mỹ cũng sẽ sụt giảm mạnh, đồng nghĩa với việc thu nhập của một bộ phận người dân tại các quốc gia này sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Và theo chiều hướng ngược lại, sẽ tác động mạnh vào chi tiêu và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái, kinh tế EU có thể sẽ rơi thẳng vào cái bẫy giảm phát mà họ đang cố tránh ở thời điểm hiện tại. Và khi cả kinh tế Mỹ lẫn EU suy sụp, thì nó có thể tác động xấu mang tính lan tỏa tới kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Kinh tế toàn cầu có thể sẽ lại rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài tương tự như những gì cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009 đã gây ra, và tất cả những điều này xảy ra là vì người dân Anh đã bỏ phiếu để rời khỏi Liên minh châu Âu chỉ vì những lợi ích của riêng mình.

Nhàn Đàm (theo Reuters)